Trưng bày bảo tàng

01
01
'70

 TRƯNG BÀY BẢO TÀNG -

“PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG CỦA Ý NGHĨA”

 

                                                                        Phạm Lan Hương

                                                                        Trường Đại học Văn hóa TP. HCM

 

Mục đích của bảo tàng là truyền đạt những câu chuyện về cuộc sống, về con người, về văn hoá... Trong đó, trưng bày là phương tiện truyền tải các thông điệp hữu hiệu nhất của thiết chế văn hoá này. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến vai trò của bảo tàng như một phương tiện truyền thông; mối tương quan giữa trưng bày và truyền thông dựa trên quan điểm của  Barry Lord – “trưng bày bảo tàng như một phương tiện truyền thông của ý‎ nghĩa”.

1. Trưng bày bảo tàng – một vài định nghĩa

Trưng bày – đó là những miếng xếp hình, khi được tập hợp lại sẽ tạo nên một hình ảnh hay một câu chuyện có ý nghĩa. Trưng bày phản ánh kết quả và thể hiện mức độ hoạt động nghiên cứu của bảo tàng. Công tác trưng bày mang tính nghiên cứu khoa học nghiêm túc và mỗi trưng bày đều có những mục đích nhất định. Trưng bày của bảo tàng là cầu nối công chúng giữa các hiện vật bảo tàng. Không có trưng bày, bảo tàng chỉ là kho bảo quản, một kho lưu trữ các sưu tập đã được hệ thống hoá. Bên cạnh đó, mục đích quan trọng của trưng bày là làm cho khách tham quan thoải mái hơn và nâng cao cuộc sống tinh thần của họ.

“Các bảo tàng phần nhiều giống như một tảng băng - phần lớn nằm bên dưới bề mặt, chìm khuất khỏi sự quan sát của công chúng. Vì các bảo tàng phụ thuộc vào việc phê chuẩn của công chúng để họ biện hộ cho sự tồn tại của bảo tàng trong xã hội hiện đại, nên có một nhu cầu thực tế là phải biểu hiện giá trị phong phú ẩn dấu ở phía dưới tảng băng. Đó chính là lý do tại sao ICOM lại cho rằng các phần trưng bày là cơ sở quan trọng trong định nghĩa về bảo tàng”[1].

Định nghĩa trưng bày theo Bảo tàng học Nga, trưng bày là một phần sưu tập của bảo tàng được triển lãm cho người xem; là hệ thống đối – không gian tổng thể trong đó hiện vật bảo tàng và những tài liệu trưng bày khác được kết hợp lại bởi ý tưởng khái niệm (khoa học và nghệ thuật).[2]

Quan điểm của các nhà bảo tàng học Tây Âu và Mỹ cho rằng, các phần trưng bày là một trong những phương tiện quan trọng để một bảo tàng tự giới thiệu về mình. Các phần trưng bày được thể hiện với mục đích thực hiện nhiệm vụ của bảo tàng là trưng bày giới thiệu các sưu tập hiện vật với công chúng, đem đến cho họ những sự cảm nhận giàu tính giáo dục và khai sáng trí tuệ, tạo niềm tin cho công chúng.[3]

Theo Bảo tàng học Trung Quốc, trưng bày bảo tàng là quần thể hiện vật trưng bày được sắp xếp theo chủ đề, trình tự và hình thức nghệ thuật nhất định, trong một không gian nhất định nhằm giáo dục một cách trực quan, truyền bá những thông tin văn hóa, khoa học và đáp ứng nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ.[4]

Như vậy, có nhiều định nghĩa khác nhau về trưng bày bảo tàng. Nhưng tựu chung lại, trưng bày là việc sắp xếp, giới thiệu hiện vật bảo tàng một cách khoa học và nghệ thuật, nhằm mục đích phục vụ nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức.

Điều 9, Thông tư 18 ngày 31/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh - quy định hoạt động trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể:

* Hoạt động trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng bao gồm:

a) Trưng bày dài hạn, ngắn hạn tại bảo tàng;

b) Trưng bày, triển lãm lưu động ở trong và ngoài nước;

c) Tổ chức giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể.

* Trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng phải bảo đảm:

a) Phù hợp với phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động của bảo tàng;

b) Chú trọng trưng bày tài liệu, hiện vật gốc;

c) Việc giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể phải gắn với tài liệu, hiện vật, nội dung trưng bày của bảo tàng, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;

d) Thuyết minh trưng bày cung cấp đầy đủ, rõ ràng, chính xác thông tin về tài liệu, hiện vật và phù hợp với đối tượng khách tham quan;

đ) Bản phục dựng, bản sao tài liệu, hiện vật phải chính xác, khoa học và được ghi chú rõ ràng;

e) Thuận lợi cho việc tham quan và giữ gìn an ninh, an toàn cho tài liệu, hiện vật, khách tham quan;

g) Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ chính trị, trật tự an toàn xã hội.[5]

2. Barry Lord và quan điểm về trưng bày bảo tàng

Barry Lord được thế giới biết đến như một nhà hoạch định bảo tàng. Tốt nghiệp Trường Harvard về Lịch sử và Triết học Tôn giáo, Barry Lord đã tham gia nhiều hoạt động  liên quan đến di sản văn hóa. Ông từng là curator, nhà giáo dục và giám đốc của một số galleries, bảo tàng ở Canada. Ông đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản l‎ý, xây dựng tầm nhìn và chiến lược bảo tàng; chỉ đạo hàng trăm dự án về triển lãm và bảo tồn di tích lịch sử... Hiện nay, cùng với bà Gail Dexter Lord, ông là đồng sáng lập và Giám đốc của Tập đoàn Quản lý và Hoạch định Các nguồn Văn hoá Lord. Barry  Lord còn là tác giả và biên soạn nhiều tác phẩm ngành bảo tàng như:  Sách hướng dẫn hoạch định bảo tàng (Xuất bản lần thứ nhất vào năm 1991, tái bản lần thứ hai năm 1999) và là đồng tác giả của cuốn Sách hướng dẫn Quản lý Bảo tàng  (1997), Hướng dẫn trưng bày bảo tàng (2002), Sách hướng dẫn học ở Bảo tàng (2007). Bên cạnh đó, ông tham gia giảng dạy về hoạch định và quản lý‎ bảo tàng ở nhiều nước trên thế giới.

Theo quan điểm của Barry Lord, giá trị hiện hữu trong trưng bày bảo tàng phần lớn nằm ở tính chân thực của các hiện vật, các thông tin. Trưng bày bảo tàng cho ta nhận thức về thế giới, và tác động đến thái độ và hệ thống giá trị của chúng ta, những điều này căn bản hơn hệ thống kiến thức sẵn có của chúng ta về chủ điểm trưng bày đó. Mặc dù trưng bày bảo tàng luôn truyền đạt dữ liệu mang tính tri thức (như ngày tháng hay bản đồ hay những thuật ngữ chuyên môn chính xác) cũng như các ý tưởng rời rạc khó hiểu, trưng bày như một phương tiện truyền thông độc đáo mang tính biến đổi về hình ảnh, thính giác và chuyển động tác động lên nhận thức, thái độ và hệ thống giá trị của chúng ta. Điều quan trọng là cần nhận biết rằng sự cảm nhận ý nghĩa này, giống mọi biến đổi tinh thần, chính là một trải nghiệm gây xúc động mang tính tình cảm, hơn là một trải nghiệm dựa trên hiểu biết kinh nghiệm, mang tính lý trí. Khi nhận thức hoặc sự đánh giá này được tác động bởi các hiện vật và hình thức trưng bày, chúng ta có thể chọn đọc một cuốn sách hay ghé thăm thư viện để tìm thêm thông tin sau đó, hay ta có thể tham dự bài giảng hoặc khoá học để nâng cao hiểu biết của mình về vấn đề đó. Tiêu chí đánh giá thành công trong trưng bày bảo tàng là đợt trưng bày đó có đem đến trải nghiệm gây xúc động này hay không, có tạo ra một thái độ hoặc niềm ham thích mới hay không, chứ không phải là việc khách tham quan bảo tàng sau đi xem liệu có biết được những sự kiện thực tế cụ thể hoặc có hiểu rõ các nguyên tắc cơ bản của một ngành học thuật[6].

Nói cách khác, mục tiêu của trưng bày bảo tàng là biến đổi một số điểm trong sở thích, sự quan tâm, thái độ hoặc hệ giá trị của khách tham quan một cách gây xúc động, thông qua sự khám phá một mức độ ý nghĩa nào đó trong các hiện vật trưng bày của khách tham quan – khám phá được khơi dậy và duy trì bởi lòng tin của khách tham quan vào tính xác thực của hiện vật trưng bày đó.

 Trưng bày bảo tàng mang tính giáo dục, và sẽ luôn hữu ích nếu xem xét giá trị giáo dục của trưng bày nào như một tiêu chí quan trọng để đánh giá thành công. Trong xã hội, nhiều đối tượng công chúng khác nhau luôn muốn tiếp thu thêm kiến thức, đến bảo tàng với mục đích học tập.

Chìa khoá đến thành công của bảo tàng nằm trong một thực tế đáng quan tâm là khách tham quan bảo tàng là những người không theo một tôn giáo nào, họ không tin vào báo chí hoặc giới truyền thông, và thậm chí họ đang đặt nhiều câu hỏi về những gì con em mình được học ở các trường phổ thông hoặc đại học. Những khách tham quan này thường sẵn sàng đặt toàn bộ lòng tin vào tính xác thực của các trải nghiệm mà trưng bày bảo tàng đem đến cho họ, cho dù nó chỉ đơn giản là việc xem một tác phẩm hội hoạ bản gốc của một hoạ sĩ tên tuổi, hay tiếp xúc với một hiện vật gốc hay toà nhà di tích liên quan đến một sự kiện lịch sử, hay khám phá cơ sở học thuyết khoa học thông qua hệ thống tương tác của trung tâm khoa học.

Nếu chúng ta xem xét một trải nghiệm tham quan cơ bản khi tiếp xúc với một cuộc trưng bày bảo tàng thành công - một tác phẩm hội hoạ, một hiện vật tạo tác hoặc hiện vật mẫu trong tủ trưng bày, một thiết bị tương tác hoặc màn hình đa phương tiện, dưới bất cứ hình thức nào, khách tham quan bảo tàng cũng có thể tìm thấy một ý nghĩa, - chúng ta sẽ bắt đầu đánh giá cao trải nghiệm mang tính biến đổi mà duy nhất chỉ có hình thức trưng bày bảo tàng có thể mang lại. Có thể chỉ với một hiện vật hay một nhóm hiện vật, khách tham quan bảo tàng thành công sẽ nắm bắt được một lớp ý nghĩa mới nào đó. Ý nghĩa này có thể mang tính thẩm mỹ, lịch sử hay khoa học, được khơi dậy từ một tác phẩm hội hoạ, một hiện vật trong tủ trưng bày, hay từ hình ảnh và hệ thống tương tác mà bảo tàng cung cấp. Khách tham quan sẽ chỉ tin vào ý nghĩa đó khi họ có lòng tin vào tính xác thật của các hiện vật, hoặc các hình ảnh làm nảy sinh ý nghĩa đó.

Vì thế viện bảo tàng không phải là thư viện, và trưng bày bảo tàng không nên chỉ như một cuốn sách. Hiếm khi trong trưng bày bảo tàng, một cuốn sách được gắn lên tường của khu trưng bày cho khách tham quan đứng đọc, như một số trưng bày có quá nhiều văn bản vẫn thường làm. Trưng bày bảo tàng cũng không nên cố lặp đi lặp lại các luận điểm đã được nêu đầy đủ của cuốn sách về chủ đề trưng bày. Tính chất gây xúc động của trưng bày đem đến cách nghiên cứu tập trung và ít lan man hơn.

Bảo tàng cũng không phải là trường học hay trường đại học, và trưng bày bảo tàng không nên cố sức giảng bài hay lên lớp. Khi trưng bày bảo tàng cố truyền đạt bằng các chất liệu ở mức độ giáo huấn đó, nó có thể trở nên quá tải, nhưng lại không gây xúc động một cách tích cực cho khách tham quan nếu cá nhân đó không thuộc nhóm yêu thích đề tài trưng bày cụ thể này, hay đã là một chuyên gia trong lĩnh vực đó. Với ngoại lệ trong các nhóm trường học, khách tham quan  chọn bảo tàng như nơi để tiếp thu kiến thức một cách không chính thức, nhưng họ đã chọn không đến môi trường học tập chính quy, vì thế nhà tổ chức trưng bày không cần cố biến phòng trưng bày thành lớp học.

Bảo tàng cũng không phải là nơi thờ cúng, vì thế trưng bày bảo tàng không thể thuyết pháp. Thậm chí nếu đó là khu trưng bày về tôn giáo hay một tập hợp các tín ngưỡng, nó thể hiện đối tượng trưng bày như hiện vật được khách tham quan xem xét theo thái độ của mình. Nhận thức hoặc đánh giá về tín ngưỡng của họ có thể bị tác động, nhưng không với mục đích thay đổi tín ngưỡng. Trải nghiệm mang tính biến đổi mà trưng bày bảo tàng cho ta, không chỉ là một trong nhiều đức tin, mà còn là một trong nhiều thái độ, sự nhận thức, sự chấp nhận và đánh giá.

Trưng bày bảo tàng cũng không phải là một cuốn phim, trò chơi điện tử hay trò chơi cảm giác mạnh. Mặc dù nó có thể bao gồm hình thức giải trí nghe nhìn, các chương trình truyền thông đa phương tiện và hệ thống tương tác hay mô phỏng, tất cả các phương tiện này nên được hướng vào mục tiêu biến đổi sự quan tâm, giá trị hay thái độ của khách tham quan về nội dung trưng bày. Khách tham quan cần một khoảng thời gian vui vẻ và trong trải nghiệm đầy thú vị đó, tìm thấy mối quan tâm mới hoặc được mở rộng hay rút ra đánh giá về đối tượng trưng bày.

Nếu chúng ta hiểu trưng bày theo cách diễn giải của Barry Lord, vấn đề trong trưng bày bảo tàng không nhất thiết là về thiết kế trưng bày, mà là thách thức trong việc hoạch định để có thể giao tiếp hiệu quả với nhóm đối tượng khách tham quan mà bảo tàng định thu hút. Các câu hỏi chính cần trả lời sẽ là:

  • Trưng bày bảo tàng muốn truyền đạt những ý nghĩa gì?
  • Bảo tàng định truyền đạt những ý nghĩa này với nhóm đối tượng nào?
  • Phương tiện nào là thích hợp nhất để truyền đạt những ý nghĩa này?

 

Trên đây là những quan điểm của Barry Lord khi ông nhìn nhận vai trò, mục tiêu của bảo tàng như một phương tiện truyền thông của ý nghĩa. Trưng bày không chỉ là một nhiệm vụ cơ bản, then chốt của bảo tàng mà còn là phương tiện truyền đạt thông tin mạnh mẽ đối tượng công chúng của bảo tàng. Tìm hiểu quan điểm này cũng là một hình thức để các Bảo tàng ở Việt Nam cân nhắc và xem xét khi xây dựng các trưng bày.

         

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Barry Lord (2005), Trưng bày bảo tàng, bản dịch của Cục Di sản Văn hóa, Hà Nội.

2. Gary Edson – David Dean (2001), Cẩm nang bảo tàng, bản dịch của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội.

3. Kaulen M. E. (Chủ biên) (2006), Sự nghiệp bảo tàng của nước Nga, Cục Di sản Văn hóa, Hà Nội.

4. Thông tư 18, ngày 31/12/2010 Quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng

5.   Vương Hoằng Quân (Chủ biên) (2008), Cơ sở Bảo tàng học Trung Quốc, Cục Di sản Văn hóa, Hà Nội.

 



[1] Gary Edson – David Dean (2001), Cẩm nang bảo tàng, bản dịch của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội, tr.295

[2] Kaulen M. E. (Chủ biên), Sự nghiệp bảo tàng của nước Nga, Cục Di sản Văn hóa, Hà Nội, 2006, tr. 312

[3] Gary Edson – David Dean, Cẩm nang bảo tàng, bản dịch của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội, 2001, tr.306

[4] Vương Hoằng Quân (Chủ biên), Cơ sở Bảo tàng học Trung Quốc, Hà Nội, 2008, tr. 341

 

[5] Thông tư 18, ngày 31/12/2010 Quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng 

[6] Barry Lord, Trưng bày bảo tàng, bản dịch của Cục Di sản Văn hóa, Hà Nội, năm 2005, trang 14

Từ khóa:

Sự kiện

Mạng xã hội