Giới thiệu khái quát về Bảo tàng học

01
01
'70

Cái nhìn bao quát về ngành Bảo tàng

BẢO TÀNG HỌC VÀ BẢO TÀNG HỌC MỚI

ĐIỂM LẠI MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN

 

Phạm Lan Hương

Trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh

 

Ở Việt Nam, thuật ngữ “bảo tàng học” từ lâu đã trở thành quen thuộc đối với những cán bộ bảo tàng, những nhà nghiên cứu liên quan đến bảo tàng và những sinh viên ngành Bảo tàng học. Vậy bảo tàng học là gì? Có chăng sự biến đổi trong nội hàm thuật ngữ này? Xu hướng gần đây của bảo tàng học?

Trong bài viết này, chúng tôi điểm lại một số vấn đề về định nghĩa bảo tàng học cũng như quan điểm về “bảo tàng học mới” của một số học giả Tây Âu, Mỹ và Trung Quốc.

1. Bảo tàng học

Có rất nhiều định nghĩa về bảo tàng học, dưới đây là một số ví dụ:

“Bảo tàng học là những nghiên cứu về lịch sử và bối cảnh của bảo tàng, về vai trò của bảo tàng trong xã hội, về công tác nghiên cứu, bảo quản, giáo dục, và tổ chức của bảo tàng, về quan hệ giữa bảo tàng với môi trường tự nhiên cũng như về phân loại bảo tàng” (Hội đồng Quốc tế các bảo tàng – ICOM, 2004).

Theo định nghĩa của Viện Smithsonian (Mỹ), “nghiên cứu bảo tàng (Museum study), đôi khi được gọi là bảo tàng học (Museology) là lĩnh vực bao gồm những ý tưởng và các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp bảo tàng, từ những kỹ năng thực hành cần thiết để vận hành một bảo tàng đến lý thuyết về vai trò xã hội của bảo tàng”.[1]

     Định nghĩa của chương trình đào tạo “Nghiên cứu bảo tàng”, của Trường Đại học Tusculum (thành lập năm 1794, là trường đại học lâu đời nhất ở Tennessee, Mỹ), “Bảo tàng học là nghiên cứu về bảo tàng, về sự phát triển cũng như các kỹ năng cần thiết cho hoạt động bảo tàng chuyên nghiệp. Sự thành công của một bảo tàng đòi hỏi các kiến thức và kỹ năng kết hợp giữa các chuyên gia bảo tàng với các tình nguyện viên. Ngoài ra, thành công của một bảo tàng còn là kết quả của sự tham gia và đóng góp của khách tham quan và cộng đồng”[2].

Theo từ điển Bách khoa mở Wikipedia, Bảo tàng học (Museology) là nghiên cứu về sự thiết lập và phát triển của bảo tàng trong vai trò như là một cơ chế giáo dục, xã hội và chính trị[3].

Trong cuốn Cơ sở Bảo tàng học Trung Quốc, các tác giả đã liệt kê định nghĩa bảo tàng học của Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ, Liên Xô cũ và Trung Quốc (trang 24, 25). Nhìn chung, các định nghĩa về bảo tàng học đều được nhìn nhận trên 2 khía cạnh: các hoạt động nội tại của bảo tàng và vai trò của bảo tàng đặt trong môi trường tự nhiên cũng như đối với môi trường xã hội.

          Phần mở đầu cho cuốn sách New Museology, tác giả Peter Vergo[4] đã phân tích: Bảo tàng học là gì? Định nghĩa một cách đơn giản thì đó là việc nghiên cứu bảo tàng, cụ thể là lịch sử, những nguyên lý hoạt động; sự hình thành và phát triển; những mục đích và nguyên tắc được công khai hay ngầm hiểu; vai trò giáo dục, chính trị, xã hội của bảo tàng. Nói rộng ra, đó là lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến nhiều đối tượng thưởng thức: khách tham quan, học giả, những người yêu thích nghệ thuật, trẻ em - những đối tượng phục vụ của bảo tàng. Bảo tàng học còn liên quan tới những vấn đề về pháp lý và trách nhiệm về  xu hướng phát triển trong tương lai của bảo tàng. Theo định nghĩa trên, bảo tàng học là một chuyên ngành dành riêng cho các chuyên gia về bảo tàng, những người ít nhiều có hứng thú với lĩnh vực này. Trên thực tế, vì bảo tàng đã gắn liền với văn minh nhân loại và vì những bảo tàng hiện đại bao quát các lĩnh vực khác nhau của đời sống con người (nghệ thuật, thủ công, khoa hoc, giải trí, nông nghiệp, nông thôn, tuổi thơ, ngư nghiệp, đồ cổ, thậm chí là điện thoại di động ...), bảo tàng học liên quan đến rất nhiều đối tượng[5].

2. Bảo tàng học mới

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu bảo tàng, “bảo tàng học mới” hình thành trước hết ở khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu. Các học giả lý giải sự xuất hiện của bảo tàng học mới là do sự thúc đẩy bởi những chuyên gia bảo tàng không hài lòng với “bảo tàng học cũ”. “Bảo tàng học cũ” quan tâm đến vấn đề “như thế nào” hoặc những khía cạnh được ứng dụng của công tác bảo tàng hơn là quan tâm đến những vấn đề mang tính lý thuyết “tại sao” chúng ta làm điều chúng ta làm và vì mục đích gì. Trong khi đó, “Bảo tàng học mới” nhấn mạnh đến những khía cạnh xã hội của các bảo tàng và bảo tàng nên phục vụ xã hội và cho chính sự phát triển của họ như thế nào, nhìn nhận các bảo tàng như những đối tượng của sự thay đổi xã hội mang tính tích cực. Thêm vào đó, “bảo tàng học mới” nhấn mạnh những mối liên hệ giữa các bảo tàng và những cộng đồng của họ; khuyến khích các bảo tàng trở nên dân chủ, dễ tiếp cận và gần gũi hơn với những nhu cầu cũng như những mối quan tâm của một cộng đồng cụ thể. Hơn nữa, “bảo tàng học mới” nhấn mạnh đến sự tham gia của cộng đồng trong các bảo tàng không chỉ với vai trò là những khách tham quan mà là những người tham gia bình đằng trong sự phát triển và hoạt động của bảo tàng.

Những quan điểm của “bảo tàng học mới” này đã tác động trực tiếp đến nhận thức và hoạt động của các bảo tàng. Trọng tâm của bảo tàng đã chuyển từ tập trung vào các hiện vật và những sưu tập sang những con người đằng sau các hiện vật và những câu chuyện họ kể về lịch sử, văn hoá, đời sống xã hội cũng như những vấn đề đương đại và những cuộc đấu tranh của con người. Chú trọng đến khách tham quan và những công chúng của bảo tàng; nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển khách tham quan. Các quan điểm về “bảo tàng học mới” đã góp phần gia tăng vai trò giáo dục của bảo tàng, tiếp cận “giáo dục bảo tàng” như một lĩnh vực của bảo tàng học. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu bảo tàng chú ý nhiều hơn đến những khía cạnh mang tính lý thuyết của bảo tàng như một thể chế xã hội và một hiện tượng văn hoá[6]

Theo Perter Vergo, bảo tàng học “mới” ra đời do bảo tàng học “cũ” không thỏa mãn được những người trong và ngoài giới bảo tàng. “Bạn đọc có thể cho rằng định nghĩa này quá mơ hồ. Tôi sẽ phản biện rằng nhược điểm của bảo tàng học “cũ” là nó quá chú trọng tới phương pháp bảo tàng mà bỏ qua mục đích của bảo tàng. Hơn nữa, trong quá khứ, bảo tàng học ít khi được chú trọng, và nếu có được đề cập đến thì cũng chỉ nói đến mặt lý thuyết và nhân văn. Suy ngẫm về lịch sử và sự phát triển của bảo tàng học, ta thấy nó ngày càng bị thu hẹp lại cũng giống như sự sinh trưởng và phát triển của loài cá vây tai- nó càng phát triển về thể xác thì bộ não càng teo nhỏ lại. Trừ khi vai trò của bảo tàng trong xã hội được xem xét một cách toàn diện, nếu không thì bảo tàng sẽ trở thành “hóa thạch sống”… Như một hệ quả, ngày càng khó để định nghĩa chính xác một bảo tàng là gì và làm gì do sự mở rộng của các hoạt động và chức năng của bảo tàng cũng như sự sáng tạo những loại hình mới của các bảo tàng”[7].

Trong nghiên cứu về sự phát triển bảo tàng ở Phillipine, giáo sư ngành Nhân học Ana Maria Theresa P. Labrador (Đại học Ateneo Manila) đã đưa ra vai trò của “bảo tàng học mới”: “Các nhà khảo cổ và sử học tiếp tục tranh cãi về những giả thuyết về nguồn gốc của đất nước Phillipine và những thực hành văn hóa chung giữa những dân tộc sống trong biên giới đó. Không giả thuyết nào trong số đó đề cập đến việc người dân sống ở những khu vực này đã hình thành nên bản sắc gì. Tuy nhiên, có nhiều minh chứng cho thấy rằng các bảo tàng cộng đồng ở Phillipine, sử dụng những kiến thức Bảo tàng học mới làm cơ sở, có thể giúp cho các thế hệ hiện tại và mai sau trong quá trình tạo dựng bản sắc linh hoạt của họ”[8].

  1. Những xu hướng gần đây trong các hoạt động bảo tàng

Trên cơ sở những quan điểm và nhận thức về “bảo tàng học mới”, một số bảo tàng trên thế giới đã hình thành các xu hướng, chiến lược cho hoạt động của mình, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Các bảo tàng chuyển từ tập trung chính vào các sưu tập được xây dựng sang xây dựng các mối quan hệ giữa những bảo tàng với đa dạng những cộng đồng xung quanh mình. Nhấn mạnh nhiều hơn đến những khía cạnh xã hội của việc xây dựng trưng bày và những mối quan hệ của con người với các hiện vật và những ý nghĩa của chúng. Nhiều bảo tàng đã chú trọng sự đa dạng giọng nói của các chủ thể văn hóa cũng như sự xuất hiện một số loại hình mới của bảo tàng. Trong đó, nổi bật xu hướng bảo tàng sinh thái và bảo tàng dựa vào cộng đồng. Nhấn mạnh hơn đến việc bảo tồn “di sản văn hoá phi vật thể” bên trong và bên ngoài bảo tàng.

Bên cạnh đó, không thể không đề cập đến hoạt động marketing và sự “thương mại hoá” ngày càng tăng của các bảo tàng. Mục đích giáo dục, giải trí và thưởng thức đòi hỏi các bảo tàng phải thu hút công chúng để cạnh tranh trong thị trường hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Các bảo tàng chú trọng đến việc mang lại các trải nghiệm cho khách tham quan thông qua các hình thức diễn giải trong bảo tàng. Bảo tàng được nhìn nhận như một phần của ngành công nghiệp di sản và du lịch đang lớn mạnh. Vì vậy, ảnh hưởng bởi sự chi phối của điều kiện kinh tế và xã hội, việc gây quỹ và tìm tài trợ là một thách thức của các bảo tàng hiện nay. 

 



[3] l=en&u=http://en.wikipedia.org/wiki/Museology&prev=/search%3Fq%3Dwhat%2Bis%2Bmuseology%26client%3Dfirefox-a%26hs%3D83I%26rls%3Dorg.mozilla:vi:official, truy cập lúc 17g20, ngày 13/4/2018

 

[4] Peter Vergo Peter Vergo là một trong những chuyên gia hàng đầu của Anh về nghệ thuật hiện đại của Đức và Áo. Ông từng là Trưởng khoa Lịch sử và Lý thuyết Nghệ thuật của Trường Đại học Essex, Vương quốc Anh. Hiện nay ông là thành viên của Hội đồng biên tập tạp chí Quốc tế “New Research in Museum study”.

[5] Peter Vergo chủ biên (2006), New Museology,  NXB Reaktion Book, London, trang 8.

 

[6] Khóa Mùa hè Nghiên cứu và Thực hành Bảo tàng (2009), Xây dựng ý tưởng và phát triển trưng bày”, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ và phát triển văn hoá A&C, Hà Nội, trang  63, 64.

[7] Peter Vergo chủ biên (2006), New Museology,  NXB Reaktion Book, London, trang 9.

[8] Ana Maria Theresa P. Labrador  (2010), Sự phát triển nhảy vọt của Bảo tàng, trong Phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng trong quá trình phát triển bảo tàng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đối với văn hóa và sự phát triển bền vững, UNESCO, Paris, trang 106.

 

Từ khóa:

Sự kiện

Mạng xã hội