BỐI CẢNH HỌC TẬP CỦA BẢO TÀNG – PHÂN TÍCH TỪ TRƯNG BÀY NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG Ở BẢO TÀNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

01
01
'70

BỐI CẢNH HỌC TẬP CỦA BẢO TÀNG –  PHÂN TÍCH

TỪ TRƯNG BÀY NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG

Ở BẢO TÀNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

                                                                                                                  Phạm Lan Hương

Trường Đại học Văn hóa Tp. HCM

 

Không gian học tập là một trong những yếu tố hỗ trợ việc đào tạo nói chung và đào tạo ngành bảo tàng học nói riêng. Bài viết này chúng tôi đề cập đến vai trò của bảo tàng – như một bối cảnh học tập hiệu quả, là bước đệm quan trọng từ lý thuyết đến thực tế tiếp cận cộng đồng. Bối cảnh học tập này được phân tích từ trưng bày nghề thủ công truyền thống ở Bảo tàng Tp. Hồ Chí Minh, dựa trên mô hình bối cảnh học tập của 2 giáo sư Trường Đại học Oregon (Hoa Kỳ): John Howard Falk và Lynn Diane Dierking.

  1. Mô hình bối cảnh học tập của bảo tàng

Mô hình bối cảnh học tập của bảo tàng được 2 tác giả John Howard Falk và Lynn Diane Dierking giới thiệu trong tác phẩm Learning from museum, Visitor Experience and the Making of Meaning (Học từ bảo tàng – Trải nghiệm của khách tham quan và làm nên ý nghĩa) do Nhà xuất bản Altamira, Liên hiệp các nhà xuất bản Rowman & Littlefield, Walnut Creek – Lanham – New York – Oxford xuất bản năm 2000.

John Howard Falk là giáo sư giáo dục và khoa học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về học tập suốt đời STEM thuộc Đại học Oregon. Ông quan tâm đến các nghiên cứu về môi trường học tập (với trọng tâm là các viện bảo tàng và các địa điểm du lịch sinh thái cũng như khảo sát vai trò của các viện, tổ chức giáo dục trong việc hỗ trợ công chúng học tập. Lynn Diane Dierking là giáo sư toán học và khoa học, Trưởng Khoa Nghiên cứu và Giáo dục, Trường Đại học Oregon, Hoa Kỳ. Bà là chuyên gia trong lĩnh vực môi trường học tập tự do lựa chọn (với trọng tâm đặc biệt về bảo tàng), vai trò của các yếu tố văn hóa xã hội trong học tập, nghiên cứu và phát triển trong giới trẻ/gia đình /cộng đồng thông qua nỗ lực học tập.

Theo 2 tác giả, học tập là một hiện tượng của những sự phức tạp. Vì vậy, đề xuất mô hình bối cảnh học tập hữu ích hơn việc định nghĩa về học tập. “Mô hình bối cảnh học tập là nỗ lực để cung cấp đồng thời một bức tranh tổng thể của học tập và chứa đựng vô vàn cái riêng cũng như chi tiết bổ sung sự phong phú và tính xác thực cho quá trình học tập”[1]. Không gian và mục đích học tập sẽ tạo ra sự khác biệt trong kết quả học tập. Học trong bảo tàng khác với học trong bất cứ khung cảnh nào khác do bản chất độc đáo của bối cảnh bảo tàng. Ở đó, người học tiếp nhận những vấn đề cụ thể và hữu hình từ những cái vốn đã trừu tượng và vô hình.

Học là sự đối thoại giữa một cá nhân với môi trường của người đó thông qua thời gian. Ở bảo tàng, đối thoại được đặt trong mối quan hệ tương tác giữa các bối cảnh vật chất, văn hoá, xã hội và cá nhân của người học. Hai tác giả đã xây dựng mô hình với 3 yếu tố cơ bản cho những trải nghiệm học tập từ bảo tàng:

 

Đây là 3 yếu tố cơ bản, ảnh hưởng trực tiếp đến  chất lượng của một trải nghiệm bảo tàng. Khi thiếu bất cứ yếu tố nào trong các yếu tố này, việc học tập ở bảo tàng sẽ bị giảm thiểu đi các ý nghĩa mà bảo tàng mang lại cho người học – khách tham quan.

 

  1. Phân tích từ trưng bày nghề thủ công truyền thống ở bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

Nghề thủ công truyền thống của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh được giới thiệu trong phòng trưng bày số 4 “Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp” của Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Với gần 300 hiện vật, hình ảnh trưng bày, người học có thể tìm hiểu về nghề gốm, nghề đúc đồng, nghề kim hoàn, nghề chạm khắc gỗ của người dân trên địa bàn thành phố, với các vấn đề như tổ nghề, quy trình sản xuất, những đặc trưng văn hóa, ảnh hưởng của kinh tế thị trường cũng như sự biến đổi của các nghề thủ công. Đây là một trong những bối cảnh học tập hữu ích của các sinh viên ngành Bảo tàng học về nghề thủ công truyền thống – một loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Là các trải nghiệm trước khi sinh viên khảo sát thực tế và tiếp cận cộng đồng. Bối cảnh học tập ở bảo tàng giúp người học cái nhìn tổng quan về nghề thủ công và các làng nghề truyền thống, việc xây dựng hồ sơ tư liệu, xây dựng bảng hỏi cũng như các biện pháp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

 

2.1.  Bối cảnh cá nhân

Công chúng đến bảo tàng vì nhiều lý do và đều có những mong đợi được định trước cho chuyến tham quan. Những động cơ và mong đợi này trực tiếp tác động đến khách tham quan – người học. Khi mong đợi được đáp ứng, việc học sẽ dễ dàng. Khi mong đợi không được đáp ứng, việc học sẽ bị ảnh hưởng. Những người học với tinh thần chủ động có xu hướng là những người học thành công hơn những người học thụ động. Các bảo tàng thành công khi thu hút và củng cố được những cá nhân có sự chủ động đến với bảo tàng.

Kiến thức có từ trước, mối quan tâm và lòng tin đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tất cả mọi sự học tập; đặc biệt là học từ bảo tàng. Vì kiến thức có từ trước, mối quan tâm và lòng tin, người học tích cực tự lựa chọn có nên đi bảo tàng hay không, đi thăm bảo tàng nào, xem trưng bày nào hoặc tham gia vào chương trình nào và chú ý đến khía cạnh nào của những trải nghiệm này. Nếu không có kiến thức trước, mối quan tâm và lòng tin, không ai đi bảo tàng bao giờ và không ai học được bất cứ điều gì ở bảo tàng thậm chí nếu họ đến đó. Học tập trong bảo tàng luôn mang tính cá nhân cao.

Bảo tàng thực sự đóng một vai trò không nhỏ trong việc thiết kế, xây dựng một cách bao quát nhất về các nghề thủ công truyền thống, với đầy đủ các mối quan hệ tương tác: truyền thống và đổi mới; liên tục và thay đổi; chủ thể và khách thể; mâu thuẫn và thống nhất.

Các nghề thủ công truyền thống và làng nghề ở thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là một loại hình di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo tồn. Tiếp cận với các nghề thủ công và làng nghề là cách thức để khám phá những vấn đề của lịch sử (bối cảnh chính trị, xã hội, kinh tế…), của văn hoá, tín ngưỡng (phong tục, niềm tin, sự sáng tạo…), của xã hội dân sự (phân công lao động, nguyên tắc truyền nghề…), của khoa học công nghệ. Nói khác đi, là tổng thể các yếu tố của cuộc sống con người. Thông qua nghề thủ công và làng nghề, toàn cảnh về một cộng đồng cụ thể được mô phỏng.

Mục đích của sinh viên khi đến với trưng bày nghề truyền thống hoàn toàn với tinh thần chủ động. Chủ động để hiểu biết về một loại hình di sản văn hóa phi vật thể; chủ động để có những kiến thức chuẩn bị cho chuyến điền dã; chủ động xác định và hình thành vấn đề, đề xuất các giải pháp; chủ động trao đổi, phán xét, cân bằng trong hướng giải quyết.

Như vậy, Bảo tàng đã tạo ra động cơ thúc đẩy người học bằng những cung bậc cảm xúc tự nhiên. “Khi rời khỏi trưng bày, khách tham quan cần phải biết điều gì đó, đồng thời cũng cảm nhận được điều gì đó - thắc mắc, phấn khích, băn khoăn, ngạc nhiên, giận dữ, vui sướng, hay đơn giản chỉ là sự cảm kích về sự tuyệt vời và thực tế của thế giới qua những giác quan của họ”[2].

 

2.2. Bối cảnh văn hoá xã hội

Đại đa số khách đến thăm bảo tàng đi theo các nhóm xã hội – các nhóm lịch sử, các nhóm hình thành các cộng đồng người học riêng hoặc chung. Cha mẹ giúp con cái hiểu và tìm thấy ý nghĩa từ những trải nghiệm của mình. Con cái tạo cho cha mẹ thấy thế giới với con mắt “mới”. Bạn bè đồng niên xây dựng các mối quan hệ xã hội thông qua những trải nghiệm và kiến thức chung. Tất cả các nhóm xã hội trong bảo tàng đều sử dụng lẫn nhau như là những phương tiện để giải mã thông tin, để củng cố lòng tin chung, và để làm nên ý nghĩa.  Bảo tàng tạo môi trường độc đáo cho việc học tập có sự cộng tác như vậy.

Học tập có sự dàn xếp về mặt xã hội trong bảo tàng không chỉ xảy ra bên trong nhóm xã hội của một người; học tập được dàn xếp xã hội mạnh có thể xảy ra với những người lạ được thấy là những người có kiến thức sâu rộng. Những sự học tập như vậy đã có tiền lệ văn hoá và tiến hoá từ lâu và rất ít các trải nghiệm bảo tàng khác có nhiều tiềm năng như vậy để ảnh hưởng đáng kể đến sự học tập của khách đến thăm. Rất nhiều trong số các quan hệ tương tác như vậy xảy ra với những người diễn giải bảo tàng, chuyên gia, hướng dẫn viên và người trình diễn và chúng có thể hoặc tăng cường hoặc cản trở những trải nghiệm học tập của khách. Khi có kinh nghiệm và kỹ năng, nhân viên bảo tàng có thể tạo điều kiện đáng kể cho sự học tập của khách.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phải được gắn với cộng đồng, chủ thể của nó; được tái tạo, sáng tạo và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vai trò của Bảo tàng không phải là “đóng băng” các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, mà thông qua trưng bày, trình diễn, chương trình giáo dục để bảo tồn môi trường xác thực của các di sản. “Bằng cách đó, các bảo tàng mới đảm bảo cho những nỗ lực của mình có tính bền vững, nâng cao nhận thức và thuyết phục được sự hỗ trợ của công chúng. Điều khiến các nỗ lực này khác biệt so với những hoạt động bảo tồn là quá trình tham gia nghiêm túc và có hệ thống của các bảo tàng trong việc trưng bày giới thiệu và bối cảnh hoá di sản, xác định bản sắc văn hoá và các giá trị văn hoá với các kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn bảo tàng”[3]. Đối với các nghề thủ công truyền thống ở thành phố Hồ Chí Minh, việc bảo tàng hoá loại hình di sản văn hóa phi vật thể này đặt trong bối cảnh đã được chuyển hoá từ thực tế qua môi trường lịch sử, văn hoá, xã hội mà Bảo tàng tái tạo.   

2.3. Bối cảnh vật chất

Định hướng và người tổ chức tiền trạm

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng con người học tốt hơn khi họ cảm thấy an toàn trong môi trường xung quanh của mình và biết họ được mong đợi điều gì. Bảo tàng có xu hướng là những khung cảnh lớn về mặt thị giác và thính giác mới lạ. Khi con người cảm thấy mất phương hướng, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng tập trung vào bất kỳ cái gì khác. Khi họ cảm thấy được định hướng trong không gian bảo tàng, sự mới lạ giúp cho việc học tập của họ tăng lên. Tương tự như vậy, việc cung cấp người tổ chức tiền trạm mang tính khái niệm cải thiện đáng kể khả năng xây dựng ý nghĩa từ các trải nghiệm của khách.  

Học tập tại bảo tàng của sinh viên ngành Bảo tàng học được thực hiện thông qua việc hợp tác giữa Khoa Di sản văn hóa và các bảo tàng. Văn bản của việc hợp tác là Biên bản ghi nhớ bao gồm nhiều khía cạnh: học tập của sinh viên (thực tế, thực tập), nghiên cứu khoa học, hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ… Chính vì vậy, học tập tại bảo tàng của sinh viên được chuẩn bị và có kế hoạch cụ thể theo từng môn học. Các hoạt động và kỹ năng trong quá trình học tại Bảo tàng cũng được thông báo trước cho sinh viên. Như vậy, có thể nói, việc học tại Bảo tàng có định hướng, có sự chuẩn bị của người dạy + bảo tàng và có sự chủ động cho người học.

Thiết kế

Dù phương tiện là các trưng bày, chương trình hay trang web, học tập bị ảnh hưởng bởi việc thiết kế. Đặc biệt, trưng bày là những trải nghiệm giáo dục nhờ các thiết kế phong phú. Công chúng đến bảo tàng để xem và trải nghiệm những hiện vật có thực, được đặt trong những môi trường phù hợp. Họ có thể thấy các hình ảnh hai chiều ở bất cứ đâu, màn hình vi tính ở bất cứ đâu, và đọc lời text ở bất cứ đâu. Không quá xác thực, những “thứ” thật được đặt trong khung cảnh có ý nghĩa. Những trưng bày được thiết kế phù hợp là những công cụ học tập hấp dẫn, người ta có thể cho rằng là một trong những phương tiện giáo dục tốt nhất từng được sử dụng để tạo điều kiện cho sự hiểu biết cụ thể về thế giới.

Trưng bày nghề thủ công ở Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh được thể hiện đan xen các giá trị truyền thống và hiện đại, gắn với bối cảnh và sự thay đổi của lịch sử. Các hiện vật trong sưu tập ngành nghề truyền thống có niên đại trải dài hơn một trăm năm, thể hiện rõ những biến đổi của ngành nghề. Sưu tập nghề kim hoàn bao gồm những dụng cụ chế tác và sản phẩm của một số cửa hàng vàng bạc nổi tiếng từ đầu thế kỷ XX như Khánh Vân và Thế Tài, đồng thời cũng có những hiện vật của thời điểm hiện nay. Đây chính là minh chứng cho những dấu ấn của thời đại, của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, hội nhập ở thành phố Hồ Chí Minh. Hơn nữa, sưu tập không chỉ đơn thuần là các hiện vật thể khối mà còn bao hàm những vấn đề phi vật thể về tín ngưỡng thờ tổ nghề và các dạng văn hoá thực hành liên quan đến tín ngưỡng này, thể hiện truyền thống tôn trọng các nghề, tự hào về nghề, khao khát phát huy tầm ảnh hưởng của nghề đối với xã hội. Ngày giỗ tổ hàng năm của nghề kim hoàn tại Lệ Châu hội quán là một bằng chứng cụ thể để thấy vị trí của ngành nghề trong cộng đồng xã hội. Kèm theo hồ sơ của sưu tập này là các bộ phim tư liệu về nghề kim hoàn, về lễ giỗ tổ nghề ở Lệ Châu hội quán.

Sưu tập nghề gốm cũng đa dạng, từ các dụng cụ làm gốm bình dị, đơn giản cho đến các sản phẩm của nghề. Các sản phẩm phong phú, gồm đồ gia dụng, gốm trang trí và gốm kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng. Hiện vật trong sưu tập nghề gốm có niên đại từ thế kỷ XVIII đến nay. Các hiện vật thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa tính công năng và các yếu tố nghệ thuật tạo hình và kỹ thuật chế tác. Nổi bật hơn cả là các tích truyện, ý nghĩa của các hiện vật trong sưu tập thể hiện những nhu cầu, tâm tư, tình cảm của cư dân đi khai hoang mở cõi; sự giao lưu, tiếp biến giữa văn hóa bản địa với các yếu tố bên ngoài…

Sưu tập nghề đóng giày lưu giữ tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh gồm 28 hiện vật, chủ yếu là các hiện vật đương đại. Nghề thủ công đóng giày xuất hiện ở Sài Gòn khá sớm, tập trung chủ yếu ở quận 4, do những di dân từ miền Bắc vào lập nghiệp và mang tính cha truyền con nối. Một trong những cửa hàng giầy nối tiếp những thành công của nghề và tồn tại đến nay là giày Khánh Hội. Trong bối cảnh có nhiều đổi mới, công nghiệp hóa và hội nhập, nghề thủ công đóng giày cũng ngày càng mai một, nhưng những hiện vật và hồ sơ lưu ở Bảo tàng là minh chứng cho sự đa dạng ngành nghề, lưu lượng thương mại từ nhu cầu xã hội của các nghề thủ công.

Có thể nói, hiện vật, hồ sơ và các sưu tập nghề thủ công truyền thống lưu giữ tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh là những cứ liệu lịch sử, là những mảng màu tạo ra bức tranh đặc sắc về Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Bức tranh đó hiện diện bối cảnh nền tảng và sự biến đổi của đô thị, những nét tương đồng và giao lưu văn hóa, sự sáng tạo của những cộng đồng và việc trao truyền qua các thế hệ. Những nghề thủ công truyền thống là những viên gạch đầu tiên trong quá trình phát triển công thương nghiệp của đô thị này. Bức tranh đặc sắc này hỗ trợ cho sinh viên tiếp nhận dễ dàng hơn những vấn đề cụ thể và hữu hình từ những nội dung lý thuyết trừu tượng và vô hình trong sách vở, bài học lý thuyết trên lớp.

Các sự kiện và trải nghiệm được củng cố bên ngoài bảo tàng

Học tập không tôn trọng ranh giới tổ chức. Người ta học bằng cách tích luỹ sự hiểu biết theo thời gian, từ nhiều nguồn, theo nhiều cách khác nhau. Học tập từ bảo tàng cũng không là ngoại lệ. Công chúng đến bảo tàng với sự hiểu biết và ra về (hy vọng rằng) với nhiều hiểu biết hơn và sau đó làm nên ý nghĩa từ sự hiểu biết này. Trong cảm nhận rất thật, kiến thức và trải nghiệm thu được từ bảo tàng là không hoàn thiện; nó đòi hỏi các bối cảnh tạo điều kiện để làm cho nó trở nên trọn vẹn.

Chính vì vậy, bảo tàng là địa điểm học tập trung gian giữa trường học và cộng đồng. Sau quá trình học tập trên trướng lớp và trải nghiệm tại bảo tàng, người học – sinh viên cần điền dã, tiếp cận cộng đồng thì việc học về di sản văn hóa phi vật thể mới thực sự hoàn thiện.

  1. Kết luận

Quy trình cho việc học tập về Di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện qua 3 bối cảnh: Trường học – Bảo tàng – Cộng đồng. Trường học là bối cảnh học tập lý thuyết, Bảo tàng và Cộng đồng là bối cảnh học tập trải nghiệm. Trong đó, trải nghiệm tại Bảo tàng là bước đệm cần thiết đối với sinh viên trước khi trải nghiệm thực tế tiếp cận cộng đồng. Việc sử dụng bảo tàng như một trong những bối cảnh học tập của sinh viên ngành Bảo tàng học đã đạt được những hiệu quả rõ rệt. Bảo tàng mang lại cho người học bức tranh tổng thể của học tập; hỗ trợ người học khái niệm hóa các vấn đề; gợi mở ý tưởng từ những chi tiết cũng như sự phong phú và tính xác thực trong nội dung trưng bày bảo tàng.

 

 

Trong nhiều năm qua, sinh viên ngành Bảo tàng học đã tham gia công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể cho các địa phương khu vực Nam Bộ: Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau… Chúng tôi đã có sự đối chiếu về chất lượng công việc giữa các sinh viên tiếp cận cộng đồng sau bài học trên lớp với các sinh viên đã qua học tập tại bảo tàng. Với bối cảnh học tập của bảo tàng, sinh viên có thêm sự chủ động, sự củng cố các kiến thức, kỹ năng và thái độ để việc tiếp cận cộng đồng thuận lợi và hiệu quả.

Tuy nhiên, việc học tập tại bảo tàng của sinh viên bị chi phối từ nhiều góc độ. Thứ nhất, bảo tàng là địa điểm tiếp đón công chúng, vì vậy, việc học tập tại bảo tàng bị ảnh hưởng bởi khách tham quan khác. Thứ hai, những kiến thức và kỹ năng sinh viên thu nhận được từ bảo tàng phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của các trưng bày, từ việc tư liệu hóa đến các hình thức diễn giải. Thứ ba, là vai trò của những giảng viên và cán bộ bảo tàng trong việc định hướng, hướng dẫn học tập.

Bảo tàng có thể trở thành những khung cảnh học tập tự chọn, thậm chí còn hiệu quả hơn nếu cán bộ bảo tàng hiểu rõ hơn bản chất của học tập, lý do người ta tìm đến và sử dụng bảo tàng như là địa điểm học tập cá nhân và các yếu tố bối cảnh có thể được sử dụng để tạo điều kiện cho học tập. Mô hình bối cảnh học tập trong bảo tàng của John Howard Falk và Lynn Diane Dierking có thể được sử dụng như là một khuôn khổ để làm cho trải nghiệm bảo tàng trở thành những trải nghiệm học tập tốt hơn. Cụ thể, những cán bộ bảo tàng cần phải tích cực trong việc đảm bảo rằng cả 3 yếu tố ảnh hưởng đến học tập từ bảo tàng luôn hoạt động tích cực và hiệu quả cho khách tham quan.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. John H. Falk và Lynn D. Dierking (2000), Learning from museum, Nhà xuất bản Altamira, Liên hiệp các nhà xuất bản Rowman & Littlefield, Walnut Creek – Lanham – New York – Oxford
  2. Peter Howard (2005), Di sản: Quản lý, diễn giải và bản sắc NXB Continuum, London – New York
  3. Kathryn E. Wilson, Khắc họa những kinh nghiệm bảo tàng từ cộng đồng: Quá trình, phương pháp giáo dục và cách thể hiện, Báo Giáo dục Bảo tàng 24, số 3 năm 1999, Hoa Kỳ
  4. Mở rộng phạm vi hoạt động: Thiết lập mối quan hệ với công chúng, Bản tổng hợp tham luận Hội nghị năm 1993 của Hiệp hội Giáo dục Bảo tàng Úc.
  5. Gary Edson – David Dean (2001), Cẩm nang bảo tàng, bản dịch của Lê Thị Thúy Hoàn, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội, 2001, tr 403.
  6. “Cuộc thi Chú thích trưng bày xuất sắc 2013 dành để tưởng nhớ Janet Kamien, người bạn và người thầy khả kính (Tài liệu dịch của Mạng lưới Bảo tàng Việt Nam)

 



[1] John H. Falk và Lynn D. Dierking (2000), Learning from museum, Nhà xuất bản Altamira, Liên hiệp các nhà xuất bản Rowman & Littlefield, Walnut Creek – Lanham – New York – Oxford, trang 157

 

[2] Eugene Dillenburg (2013), Cuộc thi chú thích trưng bày xuất sắc, Nhận xét của Hội đồng Giám khảo, Hoa Kỳ.

[3] Cục Di sản Văn hoá (2007), Bảo vệ Di sản văn hoá phi vật thể, tập 1, Hà Nội, tr 254

 

Từ khóa:

Sự kiện

Mạng xã hội