TRUYỀN THÔNG VỚI TƯ CÁCH LÀ THÀNH VIÊN CỦA THỊ TRƯỜNG DI SẢN: TRƯỜNG HỢP TRUYỀN THÔNG VÀ LỄ HỘI

01
01
'70

TRUYỀN THÔNG VỚI TƯ CÁCH LÀ THÀNH VIÊN CỦA THỊ TRƯỜNG DI SẢN: TRƯỜNG HỢP TRUYỀN THÔNG VÀ LỄ HỘI

Phạm Lan Hương

 

Tóm tắt

Thực tế hiện nay cho thấy vai trò của truyền thông đối với các lễ hội – một dạng thức của di sản văn hóa phi vật thể. Vai trò này được giới thiệu dựa trên quan điểm của Peter Howard, qua việc phân tích thị trường di sản và quá trình di sản. Các thành viên của thị trường cũng như các giai đoạn của di sản được trình bày trong mối tương quan với truyền thông. Việc nhìn nhận tầm quan trọng của truyền thông như một thành viên của thị trường di sản chi phối không nhỏ trong việc quản lý các lễ hội cộng đồng.

Từ khóa: truyền thông, di sản, thị trường di sản, quá trình di sản, di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội, Peter Howard

*****

 

Thời gian gần đây, truyền thông ngày càng khẳng định vai trò của mình trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Di sản văn hóa cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của hoạt động truyền thông này. Vai trò của truyền thông đối với di sản như thế nào? Mối liên kết giữa truyền thông và di sản? Tiếp cận di sản từ góc độ truyền thông… là những vấn đề không mới. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến truyền thông đối với quá trình di sản, cụ thể là các lễ hội,  qua quan điểm của Peter Horward: Truyền thông, lực lượng mới và quan trọng trong thị trường di sản.

Peter Howard là một nhà địa lý học tiếp cận với di sản từ các nghiên cứu về cảnh quan. Ông là biên tập viên của tạp chí quốc tế “Nghiên cứu di sản” (Heritage Studies). Ông đã có nhiều năm giảng dạy về di sản tại Trường Đại học Plymouth. Hiện nay, ông đảm nhiệm việc nghiên cứu và giảng dạy tại một số viện nghiên cứu ở Vương quốc Anh. Các công trình đã xuất bản của ông như: The Artists’ Vision (1991), European Heritage Planning and Management (1999), Heriatge: Mangement, Interpretation, Identity (2003).

Một trong những luận điểm Howard đưa ra là: “Có dấu hiệu về một lực lượng mới và quan trọng trong thị trường di sản được đại diện bởi truyền thông. Giới truyền thông, luôn quan tâm tới các vấn đề di sản và đã đưa tin rộng rãi về chúng, mặc dù việc đó được thực hiện tốt hay không đang còn tranh cãi… Di sản là một sản phẩm trên thương trường và đó là một thị trường đông đúc. Có ít nhất năm thành viên tham gia thị trường, bao gồm những chủ sở hữu, các cơ quan chính phủ và học giả cũng như khách du lịch và người trong cuộc, và truyền thông là thành viên thứ sáu… Quan hệ công chúng hay quản lý truyền thông do vậy là một khía cạnh lớn của công tác quản lý di sản thành công, bao gồm cả chính sách rõ ràng đối với những rủi ro mà giới truyền thông gây ra. Điều này nhanh chóng trở thành tiêu chí ảnh hưởng đến toàn bộ sự thành bại của các dự án. Chiến lược truyền thông do vậy cần phải được đặt ở trung tâm, và quả thực được đưa ra bàn luận bởi ban quản lý một dự án di sản đang hình thành, và sẽ cần tính đến yếu tố ‘đáng đưa tin’.[1]

Truyền thông là quá trình truyền tải thông tin, thông điệp từ người gửi tin đến người nhận tin. Nói cách khác, truyền thông là hành động phân phát thông tin và thông điệp tới mọi người bằng nhiều phương pháp, có thể sử dụng hoặc không sử dụng các tài liệu truyền thông (tờ rơi, tời gấp, bảng hiệu); bài trình bày; báo chí; sự kiện; phát ngôn viên/tuyên truyền miệng; chiến dịch marketing…

Có thể phân nhóm loại hình truyền thông gắn với 3 loại tác động lên giác quan của đối tượng:

Nghe: Loa truyền thanh, radio, …

Nhìn: Sách hướng dẫn, áp phích, tờ rơi, báo, băng rôn, tranh ảnh, …

Nghe – Nhìn: Tivi, video, thuyết trình, giảng bài, họp dân, họp/thảo luận nhóm nhỏ, tiếp xúc cá nhân, cuộc thi, ca kịch, cổ động,…

Tùy theo phạm vi tiếp xúc đối tượng mà còn chia ra: truyền thông đại chúng (báo chí, tài liệu phát...) và truyền thông trực tiếp (cho cá nhân, cho nhóm đối tượng). Truyền thông trực tiếp tùy theo cách tiếp cận, có thể phân biệt ra thành giáo dục, vận động, tư vấn... Ngoài ra còn có mạng xã hội - một loại hình truyền thông mới phát triển trong thời gian gần đây dựa trên sự phát triển của internet: blog, Twitter, Face book, Instagram…

Thực tế cho thấy, các lễ hội cộng đồng được lưu giữ, truyền tải trên rất nhiều phương tiện truyền thông như báo chí (báo ngày, tập san chuyên đề, tạp chí…), đài phát thanh, đài truyền hình (bản tin thời sự, phóng sự, phim tài liệu, bối cảnh của phim truyền hình hoặc phim truyện)… Gần đây tại Việt Nam, nhiều lễ hội cộng đồng được chia sẻ, bàn luận thông qua các blog cá nhân hay các trang mạng xã hội Face book, You Tube… và trở thành vấn đề nổi cộm trên nhiều diễn đàn như lễ hội Bình Đà, lễ Tịch điền, lễ hội đền Trần…

Hai yếu tố cần tìm hiểu liên quan đến truyền thông theo quan điểm của Peter Howard là thị trường di sản và quá trình di sản.

1. Truyền thông trong thị trường di sản

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, thị trường (góc độ kinh tế), “được hình thành khi có sự tiếp xúc giữa người mua và người bán để trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ và được xác định bằng quan hệ cung cầu về hàng hóa và dịch vụ”[2].  Vậy góc độ  di sản, cụ thể là lễ hội, thị trường được nhìn nhận như thế nào?

Lễ hội – một hình thức di sản văn hóa phi vật thể ngoài giá trị về phương diện xã hội còn có tầm quan trọng về kinh tế. Giá trị kinh tế của di sản văn hóa phi vật thể đối với một cộng đồng cụ thể gồm hai phần: các tri thức và kỹ năng được truyền đạt trong nội bộ cộng đồng, và sản phẩm được tạo ra từ các tri thức và kỹ năng đó. Ví dụ về giá trị kinh tế trực tiếp của di sản có thể nằm trong việc cộng đồng bản địa sử dụng các liệu pháp truyền thống thay vì mua những loại thuốc có bằng sáng chế, việc khai thác thương mại đối với các sản phẩm (bán vé xem biểu diễn, buôn bán hàng thủ công hay thu hút khách du lịch...) Ngoài ra, với vai trò quan trọng trong việc tạo cho cộng đồng một ý thức về bản sắc và sự kế tục, di sản văn hóa phi vật thể còn tăng cường sự gắn kết xã hội – một yếu tố không thể thiếu đối với quá trình phát triển, cũng như ảnh hưởng của nó đối với các lĩnh vực kinh tế[3].

Dưới góc độ di sản, thị trường bao gồm các thành viên, có nhu cầu và mong muốn nhất định, sẵn sàng hoặc có khả năng tham gia vào quá trình di sản, nhằm thỏa mãn nhu cầu. Như đã trình bày ở trên, Peter Howard cho rằng có 6 thành viên trong thị trường di sản, đó là: Chủ sở hữu; Người ngoài cuộc (Khách du lịch…); Người trong cuộc; Cơ quan chính phủ các cấp; Học giả (nhà nghiên cứu); Truyền thông:[4]

Chủ sở hữu

Quan tâm đến bản sắc, an ninh và tài chính.

Người ngoài cuộc

Gồm khách du lịch, khách tham quan vì mục đích giáo dục, người hành hương, người am hiểu về di sản.

Quan tâm đến sự tiếp cận và diễn giải.

Người trong cuộc

Liên quan đặc biệt đến các hoạt động của di sản.

Người dân địa phương đã cư định cư từ lâu và thành viên các câu lạc bộ.

Quan tâm đến sự tiếp cận nhưng loại trừ những người ngoài cuộc. Quan tâm đến lịch sử của nhân vật và sự kiện lịch sử liên quan.

Chính phủ

Chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực thiên nhiên, thắng cảnh, di sản phi vật thể và bảo tàng.

Các cấp chính quyền thường cạnh tranh với nhau.

Quan tâm đến tính hợp pháp và uy tín, để cho thấy tính tương đồng trong khu vực và sự khác biệt so với các khu vực khác.

Học giả

Thường ‘khám phá’ di sản. Các ngành học thiết lập tính quyền bá chủ đối với các loại di sản

Quan tâm đến tính xác thực và bảo tồn.

Truyền thông

Các chương trình nghị sự cũ ‘đáng đưa tin’ giờ đây được bổ sung bởi giá trị nghe nhìn như phim ảnh…

Các thành viên này có những đặc điểm chung nhất định nhưng đồng thời cũng cạnh tranh nhau và do vậy nảy sinh mâu thuẫn. Chẳng hạn, các học giả, chính phủ và khách du lịch muốn bảo tồn di sản; nhưng ở khía cạnh khác, người trong cuộc lại gắn với giá trị sâu hơn liên quan đến con người và địa danh… Truyền thông – thành viên mới trong thị trường di sản làm trung gian, góp phần giảm thiểu các mâu thuẫn.

  • Chủ sở hữu và các cấp chính quyền

Câu chuyện lễ hội đền Hùng là một ví dụ cho việc các cấp chính quyền thường làm thay cộng đồng hay can thiệp quá sâu vào các công việc của chủ sở hữu các lễ hội. Từ xa xưa, tế lễ ở lễ hội đền Hùng là việc của dân làng ở xung quanh núi Nghĩa Lĩnh, nhưng từ khi lễ hội này được nâng cấp thành quốc lễ, việc tổ chức lễ hội thuộc về Nhà nước: thuê người từ Hà Nội viết văn tế, các nghệ sĩ chuyên nghiệp đọc lời tế… Vai trò chủ động của chủ thể văn hóa không còn nữa.[5]

Chủ sở hữu – chủ thể văn hóa của các lễ hội cộng đồng chính là bản thân cộng đồng đó. Tác giả Nguyễn Văn Huy nhận định: “Ở nước ta về lý thuyết vai trò cộng đồng này đã được công nhận nhưng trên thực tế thì việc tôn trọng vai trò của cộng đồng như những chủ thể của di sản, của lễ hội truyền thống có quyền quyết định đối với các hoạt động của di sản thì lại có khoảng cách rất xa…”[6]. Đồng thời, ông cũng đưa ra cách lý giải trên cơ sở cấu trúc xã hội và cơ chế quản lý của xã hội, trình độ dân trí và nhóm lợi ích… Nếu hiểu theo cách diễn giải của Peter Howard, phải chăng khoảng cách này là sự khác biệt của 2 thành viên trong thị trường di sản, đó là chủ sở hữu và chính quyền các cấp? “Vai trò quan trọng nhất của Nhà nước là quản lý/ điều tiết việc bảo tồn đó bằng các chủ trương, chính sách và thông qua hệ thống tổ chức chính quyền và các ngành chuyên môn ở các cấp… Vấn đề chúng tôi muốn bàn ở đây là làm thế nào tạo được mối quan hệ hài hòa giữa Nhà nước và cộng đồng trong việc tổ chức và quản lý các lễ hội để có thể phát huy tốt nhất vai trò chủ thể của cộng đồng”[7]. Sự tham gia của truyền thông – như một tấm gương soi cho cả 2 phía sẽ góp phần giải quyết mối tương quan giữa chủ thể văn hóa và các cấp chính quyền.

- Học giả và người trong cuộc

Dư luận đề cập nhiều đến việc trình diễn ánh sáng tại lễ hội Bình Đà tại ngôi đền thờ quốc tổ Lạc Long Quân ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội, như hình thức mừng sự kiện trở thành lễ hội đầu tiên trên địa bàn Thủ đô Hà Nội được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bên cạnh một số ý kiến cho rằng đưa những yếu tố mới lạ vào lễ hội giúp di sản trở nên sống động thì một số nhà chuyên môn cho rằng việc trình diễn ánh sáng tại một nơi linh thiêng như vậy là mạo phạm, làm biến dạng di sản[8]. Trên nhiều diễn đàn truyền thông khác nhau (truyền hình, báo in, blog, Face book…), chủ yếu vẫn là tiếng nói không đồng quan điểm của 2 thành viên trong thị trường di sản: các học giả và người trong cuộc.

Chẳng hạn, người trong cuộc (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - phụ trách việc xây dựng đề án nâng cấp lễ hội Bình Đà) lý giải cách làm này theo mô hình bảo tồn gắn với phát triển, nhằm phát huy tốt hơn giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa. “Chúng tôi đang dùng những yếu tố hiện đại để ‘tiếp thị’ cho truyền thống, việc đưa yếu tố đương đại vào lễ hội còn nhằm thu hút công chúng (đặc biệt là giới trẻ)… Khi giới trẻ không tham gia, hứng thú với những lễ hội đó thì vấn đề đặt ra là những lễ hội này sẽ giáo dục ai?”[9].

Ở vị trí học giả, một  Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia cho rằng: “Việc trình diễn ánh sáng như vậy làm mất đi tính linh thiêng của không gian nơi này. Nói khác đi, đây là một việc làm phá hoại di tích, di sản văn hóa”[10]. Phân tích sâu hơn về vấn đề này, thành viên học giả đồng tình với quan điểm bảo tồn văn hóa truyền thống không có nghĩa là cứ “ôm khư khư” những gì vốn có. Tuy nhiên, khi đưa các yếu tố mới vào một không gian truyền thống như vậy thì cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản: Không phá vỡ tính thiêng liêng của lễ hội, đảm bảo vai trò của chủ thể văn hóa (nhân dân) và đảm bảo mô thức nghi lễ truyền thống của lễ hội.

Trước 2 quan điểm trái ngược, truyền thông đã đưa tin từ phía thành viên các cấp chính quyền của thị trường di sản để đóng lại diễn đàn nóng về lễ hội Bình Đà. Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có công văn số 211/DSVH-PVT. “Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp với chính quyền, cộng đồng địa phương triển khai xây dựng kế hoạch chi tiết bảo vệ và phát huy những giá trị di sản này đồng thời thực hiện công tác quản lý giám sát thực hành di sản tại cộng đồng. Việc tổ chức tôn vinh, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Bình Đà cần hạn chế tối đa các hoạt động cải biên, cải tiến, làm sai lệch di sản.”[11]

Như vậy, rõ ràng truyền thông đã thể hiện vai trò của mình như một thành viên mới và quan trọng trong thị trường di sản; là diễn đàn cho các thành viên trao đổi, chia sẻ quan điểm. Truyền thông góp phần thay đổi động lực của các mâu thuẫn, và tạo hình chiến lược cho di sản. Ở khía cạnh thị trường di sản, truyền thông thể hiện ảnh hưởng của mình trong việc các thành viên thị trường di sản tham gia xây dựng và khẳng định bản sắc xã hội khác nhau.

2. Truyền thông và quá trình di sản

“Di sản không phải là hiện tượng tĩnh; tất cả mọi khía cạnh của nó – những thứ được coi là di sản, thị trường di sản và bản sắc – tất cả đều thay đổi rất nhanh. Đặc biệt, người ta có thể lần theo một quá trình tiếp đến là các mục trong chuỗi di sản. Việc này trải qua các giai đoạn: phát hiện hoặc hình thành, kiểm kê, chỉ định xếp hạng, bảo vệ, phục hồi, chuyển đổi và đôi khi phá hủy”[12].

Mô hình về quá trình của di sản được Howard đưa ra như sau:

                                                                   

                                                                                    Khôi phục → Diễn giải                  Cổ

Sự hình thành →   Kiểm kê  →  Chỉ định  → Bảo vệ                                                                  Bị mất

                                                                                    Tái hiện → Hàng hoá hoá            Phá huỷ

 

Quá trình được bắt đầu với sự hình thành di sản và kết thúc là 3 tình trạng của di sản: hoặc cổ, hoặc bị mất hoặc bị phá hủy. Trong quá trình này có sự hiện diện của thị trường với đặc điểm nổi bật là hàng hóa hóa.  

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hình thành di sản. Nói khác đi, các di sản đều có nguồn gốc khác nhau. Theo Howard, có một số di sản, bản thân sinh ra đã là di sản, một số khác trở thành di sản bởi sự tồn tại qua thời gian, vì sự hiếm có  hoặc vì ý‎ nghĩa của nó.

Một giai đoạn quan trọng trong quá trình di sản là kiểm kê, lập hồ sơ cho các di sản. Di sản được xếp hạng cũng trên cơ sở hồ sơ được gửi đến các cơ quan liên quan. Xây dựng danh mục kiểm kê đối với các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có lễ hội nhằm nâng cao nhận thức về các di sản và tầm quan trọng của nó đối với bản sắc cá nhân và tập thể. Các danh mục kiểm kê còn là cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo vệ các di sản. Nghiên cứu và tư liệu hóa là 2 hoạt động chính của giai đoạn kiểm kê này. Công tác tư liệu hóa bao hàm việc ghi lại di sản văn hóa phi vật thể dưới dạng vật thể, theo hiện trạng và thu thập các tư liệu liên quan. Tư liệu hóa sử dụng những phương tiện và thiết bị ghi dữ liệu khác nhau. Những kết quả thu thập được thường được lưu giữ trong các thư viện, các cơ quan lưu giữ hồ sơ hoặc các địa chỉ mạng – nơi các cộng đồng liên quan và bất kỳ người dân nào quan tâm có thể tham khảo[13]. Việc này thể hiện sự đóng góp của phương tiện truyền thông trong giai đoạn kiểm kê nhận diện các di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, cần chú ý đến các luật tục trong việc mức độ cho phép tiếp cận với các di sản.  

Trong giai đoạn bảo vệ và phục hồi của quá trình di sản, có thể thấy đây là giai đoạn di sản có những thay đổi rõ rệt. Các lễ hội đã có sự khác biệt so với nguồn gốc ban đầu... Di sản văn hóa không phải là một hiện tượng tĩnh, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể, nó liên tục thay đổi. Nhiều biểu đạt và hình thức thể hiện di sản văn hóa phi vật thể bị đe dọa và có nguy cơ thất truyền do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa cũng như do thiếu sự ủng hộ, tôn trọng và hiểu biết. Bảo vệ di sản là sự chuyển giao tri thức, kỹ năng và ý nghĩa. Nói cách khác, bảo vệ nhấn mạnh vào các quy trình chuyển giao hay truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bảo vệ có nghĩa đảm bảo lễ hội là một phần cuộc sống của thế hệ hiện tại và sẽ được truyền cho thế hệ tương lai. Phổ biến thông tin về lễ hội cũng như các hình thức di sản khác trên các phương tiện truyền thông cũng là một cách để góp phần bảo tồn di sản đó. UNESCO đã thành công trong một dự án bảo tồn các lễ hội và các hình thức di sản phi vật thể ở Colombia, trong đó một phần không nhỏ dựa vào truyền thông: “Phát sóng ba chương trình ti vi trên các kênh truyền hình quốc gia và khu vực, gửi khoảng 40 thông điệp tới 200 các đài phát thanh công cộng hoặc thương mại của khu vực – đồng thời phát động một chiến dịch quảng cáo trên các tờ báo chính. Có hẳn một chiến lược truyền thông dựa trên chủ đề ‘Bạn là ai’ để nâng cao nhận thức cho công chúng, nhất là giới trẻ Colombia…”[14]. Ở Việt Nam, việc dựa vào truyền thông trong giai đoạn bảo vệ và phục hồi di sản đã có, nhưng chưa chuyên nghiệp và chưa đa dạng các hình thức truyền thông.

Hàng hóa hóa được định nghĩa là “quá trình mà theo đó hàng hóa có giá trị kinh tế và có thể phân biệt về mặt thuộc tính (tính độc đáo hoặc thương hiệu) trở thành hàng hóa đơn giản trong mắt của thị trường hoặc người tiêu dùng[15]. Trong lĩnh vực di sản, theo Peter Howard, hàng hóa hóa là những nỗ lực cụ thể được tiến hành để thu hút khách tham quan.  Trong một số trường hợp, hàng hóa hóa có hình thức rõ ràng của việc có thể mua bán được (thị trường đồ cổ và nghệ thuật). Ở một khía cạnh khác, thu nhập của các di sản  từ khách tham quan không chỉ là lợi nhuận hiện kim mà còn là lợi ích các giá trị của di sản và sự đánh giá, công nhận của công chúng. Nhiều lễ hội, thông qua các hoạt động văn hóa và các dịch vụ của mình, thu hút khách du lịch đến tham dự để trau dồi tri thức về vùng đất, văn hóa, lịch sử đồng thời tiêu dùng các sản phẩm văn hóa và kinh tế ở địa phương. Việc phát triển du khách trong giai đoạn hàng hóa này rất cần sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông nhằm mục đích marketing, quảng bá. Festival Huế là một minh chứng rõ rệt nhất cho vai trò của truyền thông trong việc thu hút khách du lịch.

Trong giai đoạn kết thúc quá trình, thực tế, nhiều di sản đã bị mất đi, bị bỏ quên hoặc bị phá hủy do khí hậu, ý thức của con người và do các mâu thuẫn chính trị hoặc tôn giáo... Ở một chiều hướng khác, nhiều di sản được bảo tồn, phát huy giá trị và tồn tại lâu dài. Hiện nay, nhiều lễ hội có sự kết thúc quá trình di sản theo chiều hướng tích cực. Lễ hội đã được vận hành dưới nhiều hình thức mới, không chỉ đơn thuần của hoạt động bảo tồn mà còn tạo ra một sự khám phá, thám hiểm và trải nghiệm văn hóa lịch sử. Có thể kể đến hội làng Giá (Yên Sở - Hà Nội), lễ hội Gióng (Gia Lâm - Hà Nội), lễ hội rước lợn (La Phù - Hà Nội), lễ hội Kate (Ninh Thuận, Bình Thuận), lễ hội Ooc om bok (Sóc Trăng, Trà Vinh), lễ hội Nghinh Ông (các tỉnh ven biển Trung và Nam Bộ), lễ Vía Bà (An Giang)… càng ngày càng thu hút sự tham gia của cộng đồng, của xã hội. Giai đoạn kết thúc có thể gọi là “có hậu” của quá trình di sản này được khẳng định qua nhiều kênh truyền thông.

Quá trình di sản phụ thuộc vào những giá trị mà con người đầu tư vào các hiện tượng di sản, phụ thuộc vào các loại khác nhau của cách thức trong đó chúng được nhìn nhận. Những giá trị gợi cho thấy trong quá trình di sản, những thành viên của thị trường di sản với  các thấu kính khác nhau tạo ra sức hấp dẫn cho di sản. Toàn bộ quy trình này không thể không gắn kết với truyền thông. Bởi vì, văn hóa được giới thiệu qua truyền thông và ngược lại, mục đích của truyền thông là tạo cảm xúc, cảm nhận cho văn hóa.



[1] Peter Howard, 2003: Heritage: Management, Interpretation, Identity, Continuum, London – New York, trang 142, 144. “There are signs of a new and important force in the market for heritage, represented by the media. The media have, of course, always had an interest in heritage issues and have reported them widely, though whether this has been done well or badly is debatable… Heritage is a product in the market-place, and that market-place is a crowded one. There are at least five major players in that market, including owners, governments and academics as well as the more obvious visitors and insiders, with the media becoming a sixth… Public relations, or communications management, is consequently a major aspect of successful heritage management, including clear policies for potential media disasters. This has rapidly become the criterion on which the entire success or failure or major projects is likely to depend. The communications strategy should therefore be at the heart, and indeed at the board, of a developing heritage project, and will need to take account of newsworthiness”.

[2] Hội đồng biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, 2005: Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, NXB Bách khoa, hà Nội, trang 215

[3] UNESCO, 2010: Di sản văn hóa phi vật thể: Hỏi đáp, trang 4

[4] Peter Howard, 2003: Heritage: Management, Interpretation, Identity, Continuum, London – New York, trang 137

[5] Nguyễn Văn Huy, 2012: Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống – thảo luận về một số khái niệm cơ bản, trong: Lễ hội – nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý (Kỷ yếu hội thảo khoa học), Hà Nội, trang 109

[6] Nguyễn Văn Huy, 2012: Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống – thảo luận về một số khái niệm cơ bản, trong: Lễ hội – nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý (Kỷ yếu hội thảo khoa học), Hà Nội, trang 105, 106

[7] Nguyễn Văn Huy, 2012: Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống – thảo luận về một số khái niệm cơ bản, trong: Lễ hội – nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý (Kỷ yếu hội thảo khoa học), Hà Nội, trang 108, 109

 

[12] Peter Horward, 2003: Heriatge: Mangement, Interpretation, Identity; Continuum, London – New York, trang 186: “Heritage is not a static phenomenon; all aspects of it – things which are considered heritage, the markets for it, and identities – all change quite fast. Inparticular, one can trace a process followed by items entering the heritage chain. This moves through discovery or formation, inventory, designation, protection, renovation, commodification and, sometimes, destruction”.

 

[13] UNESCO, 2010: Nhận diện và kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, trong Di sản văn hóa phi vật thể, trang 6

[14] UNESCO, 2010: Chương trình  ba năm nhằm thu hút sự quan tâm chú ý đối với các di sản sống ở Colombia, trong Di sản văn hóa phi vật thể - Tờ thông tin.

[15] https://en.wikipedia.org/wiki/Commoditization, truy cập lúc 17g, ngày 24/4/2017: “commoditization is defined as the process by which goods that have economic value and are distinguishable in terms of attributes (uniqueness or brand) end up becoming simple commodities in the eyes of the market or consumers”.

Đó cũng là lý do tại sao Peter Howard cho rằng quản lý truyền thông là một khía cạnh lớn của công tác quản lý di sản, là một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công. Chiến lược truyền thông do vậy cần phải được đặt ở trung tâm.

3. Thay lời kết luận

Đúng như quan điểm của Peter Howard, truyền thông là một thành viên quan trọng trong thị trường di sản. Bên cạnh việc tư liệu hóa và phổ biến các di sản, truyền thông còn tạo diễn đàn chia sẻ các quan điểm của cộng đồng cũng như từ các phía thành viên khác của thị trường di sản. Sản phẩm và dịch vụ di sản rất đa dạng, nhu cầu xã hội đối với sản phẩm và dịch vụ di sản cũng rất phong phú. Sự đa dạng phong phú này là nguồn gốc của các vấn đề, các mâu thuẫn trong thị trường di sản, và truyền thông là diễn đàn góp phần làm hài hòa các mối quan hệ. Truyền thông là hình thức hiệu quả trong việc lưu giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản nói chung, lễ hội nói riêng. Truyền thông góp phần nhận diện giá trị, ngăn ngừa nguy cơ làm mai một di sản cũng như làm phong phú thêm đời sống tinh thần và vật chất của xã hội; là nguồn di sản tư liệu, tạo ra các sản phẩm lưu giữ thông tin về lễ hội, về di sản dưới nhiều dạng thức độc đáo; là minh chứng cho sự biến đổi của các lễ hội truyền thống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia (2012), Lễ hội – nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý (Kỷ yếu hội thảo khoa học), Hà Nội

2. Hội đồng biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam (2005), Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, NXB Bách khoa, Hà Nội

3. Trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (2011), Di sản và Truyền thông (Kỷ yếu hội thảo khoa học), TP. Hồ Chí Minh

4. UNESCO, Di sản văn hóa phi vật thể, 2010

5. UNESCO, 2010: Nhận diện và kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, trong Di sản văn hóa phi vật thể.

6. UNESCO, 2010: Chương trình  ba năm nhằm thu hút sự quan tâm chú ý đối với các di sản sống ở Colombia, trong Di sản văn hóa phi vật thể - Tờ thông tin.

7. Peter Howard (2003), Heritage: Management, Interpretation, Identity, Continuum, London – New York

8.http://www.vietnamplus.vn/tranh-cai-ve-trinh-dien-anh-sang-o-le-hoi-lang-binh-da/252818.vnp

9.https://baodautu.vn/trinh-dien-anh-sang-o-le-hoi-lang-binh-da-gay-tranh-cai-d19250.html

10. https://en.wikipedia.org/wiki/Commoditization

 

Từ khóa:

Sự kiện

Mạng xã hội