THỜI KỲ HỘI NHẬP QUỐC TẾ: TIẾP CẬN BẢN SẮC VĂN HÓA TỪ TRƯNG BÀY BẢO TÀNG

01
01
'70

THỜI KỲ HỘI NHẬP QUỐC TẾ:

TIẾP CẬN BẢN SẮC VĂN HÓA TỪ TRƯNG BÀY BẢO TÀNG

Phạm Lan Hương

Trường Đại học Văn hoá Tp. HCM

 

Tóm tắt: Với các chức năng làm giàu tri thức, giáo dục và thưởng thức, Bảo tàng là một trong những không gian văn hóa hấp dẫn, thuận tiện. Đặc biệt, thông qua các trưng bày, bảo tàng thể hiện rõ bản sắc cũng như sự biến đổi văn hoá của từng cộng đồng, từng địa phương. Trưng bày văn hoá ở bảo tàng chính là câu chuyện về sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại trong văn hoá đương đại; là thị hiếu của công chúng trong bối cảnh thế giới hội nhập.

Từ khóa: bảo tàng, bản sắc, trưng bày, văn hóa

*****

1. Bản sắc văn hoá và Bảo tàng

“Việc đưa khái niệm bản sắc văn hóa vào các chính sách văn hóa toàn cầu đã được đặc biệt nhấn mạnh trong Hội nghị Quốc tế về lĩnh vực Chính sách văn hóa (1982), trong đó nêu rõ sự bình đẳng và chân giá trị của tất cả các nền văn hóa phải được ghi nhận, cũng như quyền lợi của mỗi cá nhân và cộng đồng trong quá trình khẳng định và gìn giữ bản sắc văn hóa phải được tất cả chúng ta cùng tôn trọng”[1]. Bảo tàng – là một thiết chế văn hóa – đóng vai trò gì đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa cũng như giới thiệu bản sắc văn hóa trong guồng quay toàn cầu hóa?

Một trong những mục tiêu cơ bản khẳng định chức năng xã hội quan trọng của mình - bảo tàng phải đóng vai trò là nhịp cầu văn hoá gắn bó cộng đồng các dân tộc trong cùng một quốc gia, tạo cơ hội cho sự giao lưu văn hoá trong phạm vi toàn thế giới. Mục đích của bảo tàng là truyền đạt những câu chuyện văn hoá, và bảo tàng thu hút du khách hay không phụ thuộc rất nhiều vào phần trưng bày của thiết chế văn hoá này. Làm thế nào để các trưng bày bảo tàng thể hiện được bản sắc văn hóa trong yêu cầu bảo tồn, giới thiệu văn hóa địa phương của bối cảnh toàn cầu hóa?

 

 Bảo tàng học mới

Trả lời cho câu hỏi trên, chúng tôi dựa trên quan niệm “Bảo tàng học mới” của các nhà bảo tàng học Tây Âu và Mỹ. “Bảo tàng học mới” nhấn mạnh đến những khía cạnh xã hội của các bảo tàng và bảo tàng nên phục vụ xã hội và cho chính sự phát triển của họ như thế nào, nhìn nhận các bảo tàng như những đối tượng của sự thay đổi xã hội mang tính tích cực. Thêm vào đó, “bảo tàng học mới” nhấn mạnh những mối liên hệ giữa các bảo tàng và những cộng đồng của họ; khuyến khích các bảo tàng trở nên dân chủ, dễ tiếp cận và gần gũi hơn với những nhu cầu cũng như những mối quan tâm của một cộng đồng cụ thể. Hơn nữa, “bảo tàng học mới” nhấn mạnh đến sự tham gia của cộng đồng trong các bảo tàng không chỉ với vai trò là những du khách mà là những người tham gia bình đẳng trong sự phát triển và hoạt động của bảo tàng.

Peter Vergo – chuyên gia hàng đầu của Vương quốc Anh về nghệ thuật hiện đại Đức và Áo, chủ biên của công trình “New Museology” đã phân tích: Trọng tâm của bảo tàng đã chuyển từ tập trung vào các hiện vật và những sưu tập sang những con người đằng sau các hiện vật và những câu chuyện họ kể về lịch sử, văn hoá, đời sống xã hội cũng như những vấn đề đương đại[2].

Trong nghiên cứu về sự phát triển bảo tàng ở Phillipine, giáo sư ngành Nhân học Ana Maria Theresa P. Labrador (Đại học Ateneo Manila) đã đưa ra vai trò của “bảo tàng học mới”: “Các nhà khảo cổ và sử học tiếp tục tranh cãi về những giả thuyết về nguồn gốc của đất nước Phillipine và những thực hành văn hóa chung giữa những dân tộc sống trong biên giới đó. Không giả thuyết nào trong số đó đề cập đến việc người dân sống ở những khu vực này đã hình thành nên bản sắc gì. Tuy nhiên, có nhiều minh chứng cho thấy rằng các bảo tàng cộng đồng ở Phillipine, sử dụng những kiến thức Bảo tàng học mới làm cơ sở, có thể giúp cho các thế hệ hiện tại và mai sau trong quá trình tạo dựng bản sắc linh hoạt của họ”[3].

      Như vậy, trong thế giới hội nhập, bản sắc văn hoá đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút công chúng và trưng bày bảo tàng là địa điểm thể hiện rõ nhất bản sắc văn hoá ấy.

2. Nhìn nhận bản sắc văn hóa địa phương trong xu thế “động”

Sự ra đời của bản sắc địa phương được gắn với chuỗi các tiến trình văn hóa, kinh tế, chính trị chứ không phải do nó bị tách biệt khỏi những quá trình này. Bản sắc văn hóa được nhìn nhận theo hướng mở: văn hóa có thể được sinh sôi và đổi mới, mang đến những khả năng thay đổi và tiếp nối, mà không chỉ đơn thuần là bản sao của những dạng thức văn hóa mới hoặc cũ[4]. Vì vậy, cần thể hiện trong trưng bày sự biến đổi của tiến trình văn hóa này, chứ không đơn thuần là những yếu tố “cũ”. Nói khác đi, trưng bày không chỉ giới thiệu những “truyền thống bị đóng băng theo thời gian”, mà còn  giới thiệu những quá trình của sự sáng tạo và tái tạo văn hóa năng động khi những yếu tố văn hóa địa phương kết hợp với dạng thức văn hóa du nhập”.[5] Biến đổi văn hoá của các địa phương trong những bối cảnh cụ thể chính là sự thể hiện rõ rệt nhất mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại trong văn hoá đương đại. Công chúng – khách tham quan tiếp cận một quá trình văn hoá với các lát cắt cụ thể mà chỉ có trưng bày bảo tàng mới có thể diễn giải hiệu quả nhất.

Nhiều trưng bày đã thể hiện xu thế động trong văn hóa của cộng đồng. Chẳng hạn như phần trưng bày “Chuyến đi cuối cùng” trong trưng bày “Tiếng nói châu Phi” (Voice of Africa) của Bảo tàng Nghệ thuật châu Phi (Washinton DC, Hoa Kỳ). Câu chuyện trưng bày đề cập đến cuộc sống của người Ga sống  dọc bờ biển Gana. Có hình ảnh là chiếc quan tài hình máy  và phía dưới là chú thích “Tại sao người chết được chôn trong chiếc quan tài hình máy bay? Chiếc quan tài hình máy bay này ban cho người chết toàn bộ quyền uy và thuật thần bí của chuyến viễn du. Những chiếc quan tài được chạm trổ ca tụng tài năng và công việc của người chết. Chúng nối chuyến viễn du  thần linh của người chết với niềm vui của một đời đã sống. Mặc dù theo chuẩn mực thì những chiếc quan tài hình chữ nhật là tiêu chuẩn, những chiếc quan tài theo mốt hình xe cộ, động vật, nhà cửa và kinh thánh đang dần trở nên phổ biến trong cộng đồng người Ga”.

“Trong thời đại ngày càng trở nên toàn cầu hoá hiện nay, các nền văn hoá truyền thống chuẩn bị như thế nào để đối mặt với những biến đổi văn hoá đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng? Bản thân các nền văn hoá dân gian không bao giờ tĩnh tại và không thay đổi; ngược lại, văn hoá bao giờ cũng năng động và vận động không ngừng. Sự sống còn của văn hoá phụ thuộc vào việc tái sinh liên tục, sáng tạo, khả năng thích nghi, thay đổi, cải tổ và chuyển biến. Khi đó, thay đổi không phải là điều gì đó ngoại lai hay đối lập với truyền thống - sự biến dị, sáng tạo và sáng kiến, thay vào đó định ra các đặc tính của các nền văn hoá truyền thống trong khái niệm đương đại. Các giá trị hàm chứa trong một nền văn hoá cụ thể cũng là những viên gạch xây nên ý thức bản sắc và gắn bó cội nguồn, hình thành thái độ về cuộc sống gia đình, làm việc và tiêu dùng, định hướng hành vi chính trị và khơi dậy hành động tập thể”[6].

 

3. Thay lời kết luận

Trong bối cảnh hội nhập, số đông công chúng – du khách có nhu cầu:

+ Mong muốn củng cố bản sắc riêng thông qua các hoạt động du lịch

+ Mong muốn tiếp tục tự phát triển về trí tuệ, văn hóa, tình cảm và xã hội.

Nghiên cứu gần đây của một số nhà xã hội học Hoa Kỳ cho thấy, ngoài những hoạt động giải trí khác, một số cá nhân lựa chọn đi du lịch vì họ muốn điều gì đó đặc biệt mà các sản phẩm du lịch có thể cung cấp. Họ muốn những trải nghiệm cụ thể. Và, họ có vẻ muốn những trải nghiệm đó như một phần của cuộc đời họ[7]. Cũng theo kết quả nghiên cứu này, các trải nghiệm có thể chia làm bốn loại chính: trải nghiệm xã hội, trải nghiệm vật thật, trải nghiệm nhận thức và trải nghiệm nội tâm.

- Trải nghiệm xã hội: Dành thời gian với bạn bè/ gia đình/ những người khác.

- Trải nghiệm vật thật

                    + Bị xúc động bởi vẻ đẹp.

                    + Xem những thứ hiếm/ lạ / giá trị.

- Trải nghiệm nhận thức

                    + Làm phong phú thêm hiểu biết.

                    + Thu nhận thông tin hoặc tri thức.

                    + Phản hồi lại ý nghĩa của những gì đã nhìn thấy.

- Trải nghiệm nội tâm

                    + Cảm thấy một mối liên hệ tinh thần.

                    + Tưởng tượng ra thời gian và không gian khác.

                    + Gợi nhớ lại những chuyến đi/ kinh nghiệm thời thơ ấu/ những ấn tượng khác.

Với đặc thù của mình, trưng bày bảo tàng thông qua hiện vật thật bao gồm những yếu tố của tính xác thực đã mang lại những trải nghiệm vật thật, trải nghiệm nội tâm cho khách tham quan. Bên cạnh hiện vật gốc, việc sử dụng các hình ảnh, phim video, bài viết và thuyết minh, trưng bày đã mang lại những trải nghiệm nhận thức cho du khách. Như vậy, có thể nói, trưng bày bảo tàng đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của khách tham quan trong bối cảnh hiện nay.

Qua nhiều thực tế trưng bày cũng như các công trình nghiên cứu về trưng bày đã thấy rõ lợi ích để phát triển bảo tàng, cung cấp nhu cầu giải trí địa phương và du lịch khu vực dựa trên bản sắc. Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ quá khứ, mà còn là địa chỉ nghiên cứu hiện tại và nhìn nhận tương lai về văn hóa và con người của một địa phương hay một quốc gia, một khu vực. Vấn đề là các bảo tàng tổ chức các hoạt động và sáng tạo như thế nào để xây dựng các trưng bày thể hiện rõ bản sắc  của cộng đồng. Kết thúc cho bài viết này, chúng tôi trích dẫn lời của tác giả Ivan Karp: “Xét từ mọi góc độ, các yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo nên bản sắc có vẻ không phải là người tạo tác hiện vật, cũng không phải là người xem, mà là bản thân người tiến hành trưng bày, những người có quyền năng làm trung gian giữa các bên không liên hệ trực tiếp với nhau”.[8]

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Christina Kreps (1996), Hỗn hợp văn hóa và ý thức về bảo tàng, trong Tạp chí Citra Indonesia, số 007/Vol II, tháng 7/1996

2. Gary Edson – David Dean (2001), Cẩm nang bảo tàng, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam dịch và xuất bản, Hà Nội

3. ICOM (2004), Vận hành một bảo tàng, Sách chỉ nam/hướng dẫn thực hành, Bản dịch của Cục Di sản Văn hóa, Hà Nội

4. Khóa Mùa hè Nghiên cứu và Thực hành Bảo tàng (2009), Xây dựng ý tưởng và phát triển trưng bày”, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ và phát triển văn hoá A&C, Hà Nội

5. Peter Horward (2003), Heriatge: Mangement, Interpretation, Identity; Continuum, London – New York

6. Peter Vergo chủ biên (2006), New Museology,  NXB Reaktion Book, London

7. UNESCO (2010), Phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng trong quá trình phát triển bảo tàng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đối với văn hóa và sự phát triển bền vững, UNESCO, Paris

8. Vietnam ANMA 4 (2013), Kỷ yếu Hội nghị  ANMA 4, Hà Nội



[1] UNESCO (2010), Phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng trong quá trình phát triển bảo tàng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đối với văn hóa và sự phát triển bền vững, UNESCO, Paris, trang 2.

[2] Peter Vergo chủ biên (2006), New Museology,  NXB Reaktion Book, London, trang 8.

[3] Ana Maria Theresa P. Labrador  (2010), Sự phát triển nhảy vọt của Bảo tàng, trong Phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng trong quá trình phát triển bảo tàng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đối với văn hóa và sự phát triển bền vững, UNESCO, Paris, trang 106.

[4] Christina Kreps (1996), Hỗn hợp văn hóa và ý thức về bảo tàng, trong Tạp chí Citra Indonesia, số 007/Vol II, tháng 7/1996, trang 16

[5] Christina Kreps (1996), Hỗn hợp văn hóa và ý thức về bảo tàng, trong Tạp chí Citra Indonesia, số 007/Vol II, tháng 7/1996, trang 14

[6] Các Tổ chức liên hợp quốc tại Việt Nam (2003), Văn hoá và phát triển ở Việt Nam, Hà Nội, tr 2

9. Zahava D. Doering, 1999: Người lạ, khách hay khách hàng, trải nghiệm của khách tham quan, Hội thảo “Quản lý Nghệ thuật: Biểu diễn, Tài chính, Dịch vụ Weimar”, Đức, 17-19/3/1999.

 

[8] Ivan Karp (1996), Văn hóa và sự thể hiện, trong Trưng bày bảo tàng, Hoa Kỳ, 1999

 

Từ khóa:

Sự kiện

Mạng xã hội