Nghề thủ công và Bảo tàng

01
01
'70

NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG:

 TIẾP CẬN TỪ GÓC ĐỘ BẢO TÀNG

Phạm Lan Hương

Trường Đại học Văn hoá Tp. HCM

 

Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, có nhiều bảo tàng trưng bày, giới thiệu về các thủ công truyền thống và làng nghề. Đây là hình thức góp phần bảo tồn một loại hình di sản văn hóa của nhân loại, đồng thời gián tiếp hỗ trợ các làng nghề trong việc quảng bá đến khách du lịch khi tham quan tại bảo tàng. Bài viết này đề cập đến những vấn đề về nghề thủ công truyền thống và làng nghề - một di sản văn hoá phi vật thể qua góc nhìn bảo tàng.

1. Nghề thủ công truyền thống và làng nghề

Nghề thủ công truyền thống là nghề sản xuất hoàn toàn hay một phần bằng chân tay những vật dụng trang trí, tiêu dùng, đòi hỏi các kỹ năng tay chân và kỹ năng nghệ thuật, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thường áp dụng trong sản xuất hàng hóa quy mô nhỏ. Nghề thủ công thường được chia thành các lĩnh vực: văn hóa tinh thần; sản xuất, chế biến hàng tiêu dùng; chế biến lương thực thực phẩm…

“Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, nghề thủ công hình thành ngay từ trong lòng xã hội nguyên thủy, không đợi đến sự xuất hiện của làng. Tuy nhiên, phải đợi cho đến khi cơ cấu làng Việt ra đời và ổn định thì làng nghề mới trở thành một bộ phận quan trọng cấu thành lịch sử kinh tế văn hóa Việt Nam. Làng nghề là một trong những nét đặc sắc của quá trình phát triển tiền tư bản phương Đông ở Việt Nam”[1].

Làng nghề là một thực thể vật chất và tinh thần được tồn tại cố định về mặt địa lý, ổn định về nghề nghiệp hay một nhóm các nghề có mối liên hệ mật thiết với nhau để làm ra một sản phẩm, có bề dày lịch sử và được tồn tại lưu truyền trong dân gian. Khái niệm về làng nghề theo cách nhìn văn hoá bao gồm  các nội dung cụ thể, như:

- Là một địa danh gắn với một cộng đồng dân cư có một nghề truyền thống lâu đời được lưu truyền và có sức lan toả mạnh mẽ.

- Ổn định về một nghề hay một số nghề có quan hệ mật thiết với nhau trong quá trình sản xuất ra một loại sản phẩm.

- Có một đội ngũ nghệ nhân và thợ có tay nghề cao, có bí quyết nghề nghiệp được lưu truyền lại cho con cháu hoặc các thế hệ sau.

- Sản phẩm vừa có ý nghĩa kinh tế để nuôi sống một bộ phận dân cư và quan trọng hơn là nó mang những giá trị vật thể và phi vật thể phản ánh được lịch sử, văn hoá và xã hội liên quan tới chính họ[2].

Một số nhà nghiên cứu ở Việt Nam cho rằng, nghề và làng nghề thủ công có các giá trị: Giá trị kinh tế, giá trị xã hội và giá trị văn hóa – tinh thần.

Nghề thủ công và làng nghề có giá trị kinh tế, vì đây là “một trong những ngành kinh tế, có hàng hóa, có tham gia thị trường, có lợi nhuận… Nghề thủ công truyền thống còn là lực lượng chủ yếu của thành phần kinh tế hộ gia đình. Nghề và làng nghề thủ công thực sự góp phần vào việc phát triển kinh tế”[3].

Về giá trị xã hội, nghề thủ công có vai trò trong việc ổn định cơ sở xã hội bằng việc tạo việc làm; vai trò trong việc giáo dục tinh thần lao động, ý thức trách nhiệm, quý trọng thời gian, bình đẳng giới (thể hiện qua việc phân công lao động và vai trò của phụ nữ đối với các nghề truyền thống; cũng như phát huy năng lực và tạo việc làm đối với nhiều phụ nữ)…

Giá trị văn hóa - tinh thần là giá trị nổi trội nhất của nghề thủ công và làng nghề. Đây là một thành tố cơ bản, bộ phận hữu cơ của văn hóa dân gian, đời sống dân gian, tạo những dấu ấn và sự phong phú của văn hóa dân tộc. Các nghề thủ công và làng nghề phản ánh bản sắc của từng địa phương, khu vực, là tinh hoa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các sản phẩm thủ công truyền thống không chỉ là hàng hóa thuần túy kinh tế mà còn là mang tính sáng tạo và nghệ thuật, phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các cộng đồng. Bên cạnh đó, nghề thủ công truyền thống còn là nền tảng truyền thống đạo đức trong các phép tắc, lễ nghĩa và các quan hệ ứng xử. Ngoài ra, các nghề truyền thống và làng nghề còn là bối cảnh của nhiều tác phẩm văn học dân gian.

Từ những giá trị như vậy, nghề thủ công truyền thống và làng nghề được chú trọng nghiên cứu, bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, nhiều nghề thủ công truyền thống và các làng nghề đang dần bị mai một, bí quyết nghề nghiệp bị thất truyền. Xu hướng thương mại hóa cũng ảnh hưởng không ít đến các làng nghề. Trong bối cảnh như vậy, Bảo tàng có thể góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu, diễn giải và bảo tồn hình thức di sản văn hóa phi vật thể này.

  1. Bảo tàng và các chức năng xã hội

Bảo tàng là một thiết chế văn hóa, mặc dù nội hàm không rộng như khái niệm văn hóa, nhưng có rất nhiều định nghĩa khác nhau về bảo tàng. Trên thế giới, mỗi quốc gia đều có những định nghĩa riêng về bảo tàng. Sự thống nhất một định nghĩa chung về bảo tàng đã được Hội đồng Bảo tàng Quốc tế ICOM (The International Council of Museums) xây dựng và liên tục sửa đổi phù hợp bối cảnh và sự phát triển của xã hội.

Định nghĩa của ICOM về Bảo tàng như sau: Bảo tàng là một thiết chế phi lợi nhuận, hoạt động thường xuyên mở cửa cho công chúng đến xem, phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội. Bảo tàng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, thông tin và trưng bày các bằng chứng vật thể và phi vật thể về con người và môi trường sống của con người vì mục đích nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức[4].

Luật Di sản Văn hóa: Bảo tàng là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người, môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng[5].

Theo thời gian, định nghĩa của bảo tàng đã có nhiều thay đổi, gắn với bối cảnh, sự nhận thức cũng như mối liên hệ ngày càng chặt chẽ giữa bảo tàng với xã hội. Theo nhận định của Bảo tàng học Trung Quốc, “định nghĩa về bảo tàng, một mặt phải nắm chắc đặc trưng, bản chất của bảo tàng – một hiện tượng văn hóa xã hội, mặt khác phải thích ứng với yêu cầu mới mà xã hội hiện đại đặt ra đối với bảo tàng. Như vậy, định nghĩa bảo tàng mới có đặc điểm thời đại”[6]. Nói cách khác, bảo tàng ra đời là do nhu cầu của xã hội và bảo tàng ngày càng đổi mới để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Nói đến chức năng của Bảo tàng là nói đến ‎ý nghĩa, vai trò của Bảo tàng đối với xã hội. Việc xác định đúng các chức năng xã hội của bảo tàng là cơ sở để quản lý‎, quy hoạch phát triển bảo tàng.

Trong hệ thống lý‎ luận Bảo tàng học trên thế giới, có nhiều quan điểm về chức năng xã hội của bảo tàng.

Theo quan niệm truyền thống, bảo tàng có 2 chức năng cơ bản: nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học. Viện Smith Sonian (Hoa Kỳ) đưa ra 03 chức năng xã hội của bảo tàng: Làm giàu tri thức (Enrich), Giáo dục (Educate) và Vui chơi giải trí (Entertain). Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên New York (Hoa Kỳ) lại cho rằng các chức năng của bảo tàng là Giáo dục (Education), Tìm tòi (Expedition) và Nghiên cứu (Research). Theo Hội đồng Bảo tàng Quốc tế, 3 chức năng cơ bản của bảo tàng là Nghiên cứu, Giáo dục và Thưởng thức.

Theo Luật Di sản Văn hóa, Bảo tàng có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người, môi trường sống của con người. Và để thực hiện tốt các chức năng này, bảo tàng có các nhiệm vụ:

-  Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày các sưu tập hiện vật;

- Nghiên cứu khoa học phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản
văn hóa;

- Tổ chức phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ xã hội;

- Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của bảo tàng;

- Quản lý‎ cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật;

- Thực hiện hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan phù hợp với nhiệm vụ của bảo tàng;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật[7].

Chức năng của bảo tàng còn là kết quả hoạt động của bảo tàng đối với xã hội, được thông qua hiệu quả tác động vào xã hội của bảo tàng. Như vậy, với các nhiệm vụ và chức năng của mình, bảo tàng thực sự góp phần nghiên cứu, tư liệu hóa, sưu tầm cứ liệu và hiện vật, giới thiệu và bảo tồn nghề thủ công truyền thống, phần nào tác động đến vai trò của di sản văn hóa phi vật thể này đối với cuộc sống con người.

3. Bảo tàng - không gian đặc biệt đối với các nghề thủ công truyền thống

Nghề thủ công truyền thống là đề tài phổ biến ở các Bảo tàng khảo cứu địa phương và các Bảo tàng thuộc loại hình lịch sử xã hội. Trên thế giới, có thể kể đến một số bảo tàng về nghề thủ công nổi tiếng như: Bảo tàng Nghề thủ công đương đại (Hoa Kỳ), Bảo tàng KMAC (Hoa Kỳ), Bảo tàng Nghệ thuật thủ công Philadelphia (Hoa Kỳ), Bảo tàng và Thư viện Nghề thủ công Manitoba (Canada), Bảo tàng Nghệ thuật và Nghề thủ công Ditchling (Vương quốc Anh), Bảo tàng các nghề thủ công dân gian (Nhật Bản), Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật hiện đại (Nhật Bản), Bảo tàng Dân gian (Hàn Quốc), Bảo tàng Nghề thủ công (Ấn Độ)… Ở Việt Nam, các nghề thủ công truyền thống được giới thiệu trong trưng bày và các chương trình trình diễn ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam và các Bảo tàng địa phương như: Bảo tàng Bắc Giang, Bảo tàng Kon Tum, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cần Thơ, Bảo tàng Sóc Trăng…

Thông qua lăng kính bảo tàng, các câu chuyện về nghề thủ công truyền thống và làng nghề dễ dàng được diễn giải, minh hoạ. Nói cách khác, bảo tàng là nơi giới thiệu các giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa – tinh thần của nghề thủ công truyền thống và làng nghề. Đặc biệt, ở góc độ di sản văn hoá phi vật thể, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản này càng được nhìn nhận rõ rệt qua các hoạt động của Bảo tàng. Đặc điểm quan trọng nhất của di sản văn hóa phi vật thể là tính hỗn nguyên trong quá trình hình thành, tính cộng sinh trong hiện thực và mối quan hệ không thể tách rời với đời sống[8]. Bảo tàng chính là không gian để các nghề thủ công thể hiện rõ 3 đặc điểm quan trọng này.

Thứ nhất, trên cơ sở tư liệu hóa, sưu tầm hiện vật và cứ liệu, Bảo tàng là nơi trưng bày, trình diễn minh họa cho “tính hỗn nguyên” của nghề thủ công. Cùng là nghề dệt, nhưng dân tộc Việt, Thái, Mường sự đa dạng của cùng một nghề thủ công nhưng ở các

Về mặt ngữ nghĩa, từ "hỗn loạn" (chaos) trong ngữ cảnh khoa học mang nghĩa khác với thông thường được sử dụng là trạng thái lộn xộn, thiếu trật tự. Từ hỗn loạn trong thuyết hỗn loạn ám chỉ một hệ thống có vẻ như không có trật tự nào hết nhưng lại tuân theo một quy luật hoặc nguyên tắc nào đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Cục Di sản Văn hoá (2007), Bảo vệ Di sản văn hoá phi vật thể, tập 1, Hà Nội
  2. Trịnh Thị Hòa (2007), Khái niệm “bảo tàng” qua một số định nghĩa của Hội đồng Bảo tàng quốc tế, Bảo tàng Di tích – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, trang 61 - 68.
  3. Nguyễn Thị Thu Trang (2013), Bảo tồn và Phát huy di sản văn hóa bằng hình thức bảo tàng hóa di sản văn hóa, Tạp chí Di sản văn hóa, số 4 (45)/2013.
  4. Trường Cao đẳng Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (2002), Đổi mới tiếp cận Dân tộc học trong các bảo tàng, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  5. UNESCO (2010), Các hình thức di sản văn hoá phi vật thể, Paris
  6. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa (2012), Tổng tập Nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học Xã hội

 



[1] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa (2012), Tổng tập Nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học Xã hội, trang 7.

 

[2] Lê Thị Minh Lý (2003), Làng nghề và việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, Tạp chí Di sản văn hóa số 4/2003, trang 19.

[3] Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển (2003), Nghề dệt Chăm truyền thống, NXB Trẻ, TP.HCM, trang 11, 12.

 

[4] International Council of Museum (2002), ICOM Code of Ethics for Museums, ICOM, trang 4.

[5] Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 35.

[6] Vương Hoằng Quân chủ biên (2008), Cơ sở bảo tàng học Trung Quốc, Cục Di sản Văn hóa, NXB Thế giới, Hà Nội, trang 72

 

[7] Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 62.

[8] Lưu Khôi Lập, Trương Anh Mẫn (2007), Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể trong những luận điểm trái chiều, trong Bảo vệ Di sản văn hoá phi vật thể, Cục Di sản văn hoá, tập 1, Hà Nội, trang 166.

 

Từ khóa:

Sự kiện

Mạng xã hội