Just a moment...

CHÚNG TA LÀ SINH VIÊN DI SẢN VĂN HÓA

01
01
'70

CHÚNG TA LÀ SINH VIÊN DI SẢN VĂN HÓA

Có câu nói nổi tiếng : “Nỗ lực một đời không bằng lựa chọn đúng một lần”! Trong cuộc đời mỗi người, không ít lần chúng ta phải đứng trước những ngã rẽ và phải đưa ra một lựa chọn mà sẽ quyết định đến cả tương lai cuộc sống của mình. Và trong số những lựa chọn ấy, bất cứ ai cũng đã từng, đang và sẽ phải đối diện với “lựa chọn ngành nghề” để học tập và theo đuổi. Nếu chọn đúng, ta nỗ lực phấn đấu sẽ có thành tựu như ý. Còn nếu chọn sai, ta cố gắng bao nhiêu mà cũng không đạt được kết quả mong muốn. Rồi thì ta có thể lựa chọn lại. Nhưng cuộc đời này, ta có bao nhiêu lần, mấy cơ hội để “chọn sai rồi chọn lại đây?”

         Bước chân vào Đại học ở cái tuổi đẹp nhất cuộc đời, tuổi 18 tôi đặt cho mình rất nhiều kì vọng vào ngôi trường mình chọn. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình phải tập trưởng thành và thay đổi từ đây. Chọn cho mình ngành nghề không mấy người lựa chọn bước trên con đường mới mà không mấy ai dám thử, tôi đã thử và theo nó đến tận bây giờ. Nhanh thật ! Mới đó mà đã bốn năm, khoảng thời gian đủ để tôi có thể nhìn lại và hoài niệm về một chặng đường mà tôi đã lựa chọn để đi cùng trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là Khoa Di sản văn hóa, một mái nhà nhỏ đã từng nuôi dưỡng, tôi luyện và lưu giữ biết bao nhiêu kỉ niệm vàng son của một thời sinh viên trong tôi. Biết rằng một chặng đường nào dù ngắn hay dài thì cũng sẽ có đích đến của nó, nhưng đối với tôi thì thật sự không nỡ!

         Ngày đó, tôi từng mang suy nghĩ, chắc là học Di sản sẽ rất nhàm chán, suốt ngày chỉ nghiên cứu với đống sách dày cộm, rồi các thầy cô là những “giáo sư đeo kính cận” mang suy nghĩ cũ kĩ, lạc hậu…Ôi nghĩ đến đấy thôi là tôi đã muốn từ bỏ luôn rồi! Hẳn là nhiều bạn vẫn mang suy nghĩ đó từ những ngày đầu tìm đến ngành Di sản nhỉ?

         

 

Nhưng rồi thời gian đã trả lời tất cả. Đi qua từng học phần, những kĩ năng, từ những chuyến đi mà khoa Di sản tổ chức, tiếp xúc với nhiều vùng đất mới, con người mới, tôi càng hình dung rõ hơn những gì mà mình cần phải làm trong tương lai. Cũng thông qua đó, tôi dễ dàng tiếp cận trực tiếp những định hướng chuyên môn, phát triển tính tư duy, sáng tạo, khả năng tìm tòi, nghiên cứu, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa mà ông cha ta đã dày công bảo vệ, gìn giữ, và đặc biệt hơn với tình thương và sự tận tình, gần gũi,yêu thương, xem sinh viên như những đứa con của mình, chưa bao giờ để sinh viên phải chịu thiệt thòi của đội ngũ cán bộ giảng viên đã dần dần tháo gỡ những khúc mắc trong lòng tôi về ngành mình học, và giúp tôi mở lòng hơn với con đường mình đã chọn. Tích góp từ những điều đó giúp tôi nhận ra rằng Di sản chẳng đâu xa xôi, mà đơn giản chính là cuộc sống, là tập quán, là thói ăn, nếp ở trong tất cả mọi người chúng ta từ thời tấm bé. Tôi dần bị Di sản chinh phục, chinh phục bởi một giá trị đậm đà tính truyền thống bản sắc của dân tộc, chinh phục bởi sự kỳ bí, mong muốn khám phá những điều mà các nền văn minh chứa đựng. Từ đó gợi mở lòng tự hào và ý thức trách nhiệm về tài sản và cha ông để lại. Và tự nhiên sự hoang mang ban đầu cũng bị đầy lùi trong suy nghĩ tự lúc nào không biết.

         Nhiều người cho rằng di sản chỉ toàn là những thứ xưa cũ, một quá khứ buồn chán, tẻ nhạt, trong khi xã hội hiện nay là thời đại của công nghệ, khoa học con người phải chạy đua với thời gian để tìm mới thỏa mãn sự đòi hỏi nhu cầu ngày càng cao của con người thì liệu tìm đến với di sản là không hợp thời ?.

        Đối với bản thân tôi thì lại khác, tôi cho rằng cuộc sống cũng như là một cái cây, và quá khứ chính là phần gốc khi chúng nuôi dưỡng, chăm sóc, vun đắp cái gốc càng tốt thì phần ngọn là hiện tại và tương lai sẽ ngày càng phát triển và điều đương nhiên là quả ngọt sẽ đến với chúng ta vào một ngày không xa. Một dân tộc mà mất đi cái gốc, cái bản sắc vốn có thì chắc chắn không thể tồn tại được.

         Có thể thấy rõ ràng Khoa Di sản văn hóa của tôi không lớn, con người sống trong Di sản không hoạt ngôn, dòng cảm xúc của họ luôn hướng về giá trị nội tâm, ít khi bộc lộ sôi nổi như các ngành học khác, phần có thể là do đặc thù ngành học, những không thể phụ nhận rằng những điều  mà Khoa Di sản làm được cho cộng đồng, xã hội là không hề nhỏ. Việc đào tạo ra thế hệ trẻ kế thừa mang sứ mệnh gìn giữ tài sản của dân tộc là điều đáng để vinh danh và tự hào đúng không các bạn?

       Và giờ tôi có thể dõng dạc, vững chãi bước ra khỏi ngôi nhà nhỏ mang tên Di sản Văn hóa mang những kiến thức, kĩ năng đã được học tập,bồi dưỡng để góp một phần sức nhỏ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ các giá trị mang hơi thở dân tộc mà cha ông đã để lại.

       Sứ mệnh gìn giữ Di sản Văn hóa bây giờ là của các bạn, Di sản cần các bạn, những bạn trẻ, trẻ trong suy nghĩ lẫn hành động. Hãy yêu và gìn giữ Di sản Văn hóa như chính cái cách các bạn trân quý cuộc sống này.

( Nguyễn Phi Dương, Nguyễn Anh Quân, Nguyễn Thị Thanh Khai Nguyễn Tuấn An, Nguyễn Thị Út, Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Đào Lê Phương Trinh) Tổng hợp từ các bài dự thi cuộc thi: CHÚNG TA LÀ SINH VIÊN KHOA DI SẢN VĂN HÓA do Khoa Di sản Văn hóa tổ chức.

Từ khóa:

Sự kiện

Mạng xã hội