Marketing Bảo tàng

01
01
'70

BẢO TÀNG VÀ HOẠT ĐỘNG MARKETING

 

Phạm Lan Hương

Khoa Di sản Văn hóa

1. Marketing bảo tàng

Song song với sự phát triển của nền kinh tế thị trường là sự ra đời của các hoạt động marketing. Theo một số tài liệu, giữa thế kỷ XIX, marketing bắt đầu được nghiên cứu một cách có hệ thống. Đầu thế kỷ XX, thuật ngữ này được đưa vào Từ điển tiếng Anh (năm 1944) cũng như giảng dạy tại các trường đại học Hoa Kỳ. Vào những năm 1950, 1960 của thế kỷ XX, “marketing” được truyền bá mạnh mẽ sang các nước châu Á và ứng dụng trên nhiều lĩnh vực.

Không chỉ phổ biến trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, marketing còn được tiếp nhận và ứng dụng trong việc phát triển bảo tàng. Có rất nhiều khái niệm khác nhau về marketing bảo tàng:

“Marketing bảo tàng là một loại marketing xã hội, nhằm mục đích phát triển cộng đồng và xã hội. Đồng thời là một chức năng kết nối mọi hoạt động của bảo tàng với thị trường”[1]. Marketing bảo tàng là “quy trình quản lý, ở đó bảo tàng đạt được mục tiêu của mình bằng cách thỏa mãn nhu cầu của khách tham quan”[2]

Theo Timothy Ambrose và Crispin Paine, “Marketing bảo tàng là các hoạt động bảo tàng nhằm đáp ứng thỏa mãn mong muốn, nhu cầu của thị trường và khách tham quan bảo tàng để từ đó xác lập các biện pháp thỏa mãn một cách tốt nhất những nhu cầu và mong muốn của họ”[3]. Một số nhà bảo tàng học Malaysia nhận định, “Marketing trong lĩnh vực bảo tàng là nghệ thuật kết  hợp, vận dụng các nỗ lực thiết yếu nhằm khám phá, sáng tạo và gợi lên những nhu cầu của khách tham quan, qua đó có thể đạt được mục đích của bảo tàng”[4].

Mục tiêu của marketing bảo tàng nhằm:

- Tăng số lượng khách tham quan bảo tàng

- Xây dựng thương hiệu bảo tàng

- Nâng cao nhận thức của công chúng về các dịch vụ và các sự kiện của bảo tàng

- Tăng doanh thu thông qua triển lãm chuyên đề

- Thu hút khán giả mới

Nói cách khác, marketing giúp tối đa hóa hiệu quả hoạt động của bảo tàng, là một hoạt động phức tạp đòi hỏi sự sáng tạo và các kỹ năng quản lý. Hiện nay, một số bảo tàng trên thế giới đã đưa marketing vào nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của khách tham quan trên nhiều bình diện. Trên cơ sở đó, xây dựng và thực hiện các hoạt động thiết thực, đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú và đa dạng của công chúng.

 

 2. Vai trò của marketing bảo tàng

Marketing bảo tàng có vai trò quan trọng trong việc phát triển các hoạt động bảo tàng. Marketing phát hiện ra nhu cầu của khách tham quan và tìm cách thỏa mãn nhu cầu đó. Marketing quan tâm đến cộng đồng, hướng đến sự thỏa mãn của cộng đồng.

Marketing bảo tàng là một quá trình nghiên cứu lâu dài để đưa ra các chiến lược phát triển. Để làm được điều đó thì đồng nghĩa với việc các bảo tàng phải làm tốt vai trò, nhiệm vụ... của marketing. Có thể nói, bảo tàng nào làm tốt công tác marketing thì bảo tàng đó thu hút đông đảo khách tham quan và các hoạt động của bảo tàng ngày càng hiệu quả.

Marketing là đòn bẩy thúc đẩy tiến trình phát triển của bảo tàng cả về lượng và chất (lượng: là số lượng khách tham quan, chất: chất lượng chuyên môn của nhân viên bảo tàng, giá trị của hiện vật, sự đa dạng của hiện vật trưng bày cũng như các cuộc triển lãm).

Marketing là cầu nối để trao đổi thông tin giữa bảo tàng với khách tham quan, là dịp để giới thiệu quảng bá hình ảnh của bảo tàng đến với công chúng. Mặt khác, nó còn khơi dậy tính tò mò trong công chúng, thu hút công chúng đến với một sự kiện hoặc một chương trình, những phần trưng bày thường xuyên cũng như các cuộc trưng bày chuyên đề của bảo tàng.

Marketing giúp bảo tàng nghiên cứu nhu cầu, xu hướng của khách tham quan nhằm thiết kế và tạo ra các sản phẩm mang bản sắc riêng (hay còn gọi là thương hiệu của bảo tàng). Marketing có vai trò trong việc chuyển dịch thông tin khách tham quan thành các sản phẩm, dịch vụ mới và sau đó định vị sản phẩm trên thị trường.

 

Ngoài ra, marketing còn có vai trò quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến việc đưa ra một sản phẩm mới của bảo tàng cũng như sự phát triển của bảo tàng. Đồng thời, marketing còn giúp bảo tàng nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh. Bảo tàng làm tốt công tác marketing thì đồng nghĩa với việc nâng cao được vị thế cạnh tranh cũng như tạo uy tín với khách tham quan.

Thông qua marketing, bảo tàng nắm vững được đối tượng khách tham quan và mang lại sự hài lòng cho du khách. Đồng thời, marketing đưa ra các hoạt động triển khai thúc đẩy các nhà quản lý bảo tàng vạch ra cho mình một kế hoạch, tiến trình, phương pháp, công cụ quản lý dịch vụ, các sản phẩm và cung cấp cho khách tham quan một cách tốt nhất. Từ đó, thúc đẩy nguồn thu cho bảo tàng thông qua các hoạt động tài trợ, bán vé... Giúp bảo tàng thực hiện tốt công tác xã hội hoá, hỗ trợ tích cực cho các dự án hiện đại hoá của bảo tàng để bảo tàng phát triển trong tương lai.

 

3. Marketing và các bảo tàng Việt Nam

Hơn một thập niên vừa qua, các bảo tàng ở Việt Nam bắt đầu chú trọng đến việc tiếp thị, marketing cho bảo tàng. Các hoạt động cụ thể như tuyên truyền, quảng bá về trưng bày, giao lưu, trình diễn… nhằm thu hút khách tham quan và tăng uy tín của bảo tàng. Marketing lại càng có ý nghĩa hơn để công chúng có khả năng tiếp cận với di sản văn hóa và cùng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Một số các bảo tàng đã thực hiện tốt hoạt động này như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh…

Quan điểm về marketing bảo tàng đã được các nhà quản lý và cán bộ bảo tàng Việt Nam nhận định, đây là hoạt động “không thể thiếu trong một bảo tàng hiện đại”[5]. Tuy nhiên, nhiều bảo tàng Việt Nam vẫn chưa nhận thức rõ về vai trò của marketing đối với bảo tàng. Vì vậy, hoạt động marketing ở các bảo tàng Việt Nam còn nhiều bất cập, hạn chế. Để đạt hiệu quả cao trong hoạt động marketing, các bảo tàng cần chú ý những vấn đề sau:

-  Mỗi bảo tàng cần có chiến lược marketing phù hợp với mục tiêu và điều kiện của mình. Có thể marketing dưới nhiều hình thức như tuyên truyền, marketing thông qua các ấn phẩm (sách giới thiệu trưng bày, catalogue, các tờ rơi giới thiệu, các panô, áp phích, quảng cáo), hay các hoạt động tiếp thị thông qua báo chí, truyền thông (hoạt động tiếp thị thông qua báo chí, truyền thông giữ vai trò cực kỳ quan trọng vì nó có thể đến được với rất nhiều đối tượng công chúng và bản thân nó có sức hấp dẫn riêng). Để có được những tiếp thị qua báo chí, truyền thông có hiệu quả, bảo tàng cần:

+ Chuẩn bị kỹ các thông tin cho báo chí, như: thông cáo báo chí về trưng bày, về bảo tàng và các đối tác, ảnh hiện vật.

+ Tổ chức họp báo dành riêng cho báo chí trước ngày khai trương trưng bày để thông tin có thể đến được với công chúng kịp thời.

+ Phát hành bản tin của bảo tàng thông báo về những hoạt động sắp tới, từ đó giúp cho công chúng lựa chọn và có kế hoạch đến thăm bảo tàng[6].

- Đa dạng hoá và mở rộng không gian của các trưng bày chuyên đề. Các trưng bày hấp dẫn, ý tưởng của trưng bày trên cơ sở nhu cầu của công chúng, nhu cầu của xã hội.

- Gắn kết và phối hợp giữa bảo tàng với những đơn vị làm du lịch rộng rãi và chuyên sâu hơn nữa, để bảo tàng là điểm đến quen thuộc, yêu thích của du khách mỗi khi đến một địa phương.

- Ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng hữu hiệu các trang mạng xã hội.

Hiện nay, công nghệ thông tin là một trong những động lực quan trọng nhất đối với sự phát triển của xã hội. Cùng với một số ngành khoa học khác, công nghệ thông tin đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của thế giới hiện đại. Trong xu thế chung đó, bảo tàng cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hiện vật, hỗ trợ tham quan trưng bày…

  • Cung cấp các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, tham quan, hưởng  thụ  văn hóa của khách tham quan và công chúng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Hoài Nam (2009), Marketing căn bản, NXB Lao Động, TP. Hồ Chí Minh.

2. Gary Edson và David Dean (2001), Cẩm nang bảo tàng (Bản dịch của Lê Thị Thúy Hoàn ), Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội.

3. JohnH. Falk and Lynn D.Dierking (1997), Trải nghiệm bảo tàng (The Museum Experience), NXB Whalesback, Washington DC. .

4. Lê Thị Minh Lý (2007), Quản lý bảo tàng - Những nhân tố cơ bản để thành công, Tạp chí Di sản văn hóa, Số 1 (18), Tr.17-20.

5. Nguyễn Thị Lan Thanh chủ biên (2010), Giáo trình Marketing văn hóa nghệ thuật, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

6. Timothy Ambrose và Crispin Paine (2000), Cơ sở bảo tàng (Bản dịch của Lê Thị Thúy Hoàn ), Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội.

 



  [2] Nguyễn Thị Lan Thanh chủ biên (2010), Giáo trình Marketing văn hoá nghệ  thuật, NXB Đại Học Quốc Gia, Hà Nội, trang 26.

 

   [3] Timothy Ambrose và Crispin Paine (2000), Cơ sở bảo tàng (Bản dịch của Lê Thị Thúy Hoàn), Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội, trang 61.

 [4] http://www.tronviggroup.com/museum-marketing-think-like-a-consumer/ truy cập lúc 10g20 ngày 14/5/2018

[5] http://www.dch.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=379&c=60, truy cập lúc 10g56 ngày 14/5/2018

[6] http://www.dch.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=379&c=60, truy cập lúc 11g05 ngày 14/5/2013

 

Từ khóa:

Sự kiện

Mạng xã hội