Đánh giá trưng bày

01
01
'70

 

ĐÁNH GIÁ TRƯNG BÀY BẢO TÀNG

QUA VIỆC NGHIÊN CỨU KHÁCH THAM QUAN

 

                                                                                                                                            Phạm Lan Hương

                                                                                                         

“Các bảo tàng phần nhiều giống như một tảng băng - phần lớn nằm bên dưới bề mặt, chìm khuất khỏi sự quan sát của công chúng. Vì các bảo tàng phụ thuộc vào việc phê chuẩn của công chúng để họ biện hộ cho sự tồn tại của bảo tàng trong xã hội hiện đại, nên có một nhu cầu thực tế là phải biểu hiện giá trị phong phú ẩn dấu ở phía dưới tảng băng. Đó chính là lý do tại sao ICOM lại cho rằng các phần trưng bày là cơ sở quan trọng trong định nghĩa về bảo tàng”[1]. Công tác trưng bày mang tính nghiên cứu khoa học nghiêm túc và có tác dụng thúc đẩy các khâu công tác khác của bảo tàng (nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và giáo dục). Trưng bày của bảo tàng là cầu nối giữa công chúng với các hiện vật bảo tàng. Không có trưng bày, bảo tàng chỉ là kho bảo quản, một kho lưu trữ các sưu tập đã được hệ thống hoá.

Bài viết này, chúng tôi đề cập đến vấn đề đánh giá trưng bày qua việc nghiên cứu khách tham quan nhằm mục đích đổi mới, phát triển bảo tàng đáp ứng yêu cầu của công chúng.

 

  1. Trưng bày “lý tưởng” và vai trò của đánh giá trưng bày

Đối với mỗi bảo tàng, đánh giá trưng bày là công việc quan trọng và cần thiết. Qua kết quả đánh giá, khảo sát và nghiên cứu khách tham quan, những người tổ chức, thiết kế và thực hiện trưng bày nắm bắt được nhu cầu của công chúng, của xã hội để hoàn thiện trưng bày tốt hơn. Hiện nay, việc đánh giá trưng bày ở các bảo tàng Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều bảo tàng chưa có chương trình tìm hiểu, nghiên cứu các đối tượng khách tham quan để trên cơ sở đó đánh giá trưng bày của bảo tàng mình.

Theo TS. Christine Mullen Kreamer, một curator của Bảo tàng Nghệ thuật châu Phi (Mỹ), cuộc trưng bày lý tưởng phải thoả mãn những điều kiện sau:

- Trưng bày được tổ chức tốt

- Khách tham quan cảm thấy thoải mái, dễ chịu

- Khách tham quan có thể dễ dàng thưởng thức

- Trưng bày mang lại nhiều kinh nghiệm bổ ích cho khách tham quan

- Đảm bảo không làm cho khách tham quan bị choáng ngợp hoặc thờ ơ

- Hướng vào thoả mãn kiến thức và các mối quan tâm của khách tham quan[2].

Thước đo để đánh giá sự thành công của một bảo tàng là cảm giác thoải mái và sự hứng thú do bảo tàng đem lại cho người xem khi đi lại và quan sát các hiện vật “mà không cảm thấy có bức tường vô hình ngăn cách giữa khách tham quan và các hiện vật, giống như khi ta nghe nhạc qua tai nghe vậy”[3].

Để đạt được những mục tiêu thu hút và thoả mãn khách tham quan, bảo tàng tổ chức đánh giá trưng bày và các hoạt động phục vụ khách tham quan của mình qua việc tiếp cận công chúng, thu thập dữ liệu, thông tin. Việc đánh giá là chìa khoá cho quá trình phát triển trưng bày, được diễn ra giữa hai đối tượng: cán bộ bảo tàng và khách tham quan. Mục đích của công việc này là tìm hiểu khách tham quan có phản hồi như thế nào đối với các trưng bày để bảo tàng chỉnh lý, phát triển trưng bày. “Khách tham quan không chỉ là những tấm bảng trống để viết lên trên mà họ có trí não riêng và có sự đam mê, thành kiến, hiểu biết riêng của họ”[4]. Việc nghiên cứu, đánh giá khách tham quan xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ XX và phát triển rộng rãi từ những năm 1960, 1970 – khi vai trò giáo dục của bảo tàng được nhấn mạnh. Cũng từ khoảng thời gian này, các bảo tàng đã chuyển từ việc lấy hiện vật và sưu tập làm trọng tâm sang những con người, cộng đồng ẩn sau các hiện vật và những câu chuyện họ kể về lịch sử, văn hoá, đời sống xã hội, những vấn đề đương đại…

Việc nghiên cứu khách tham quan ngày càng quan trọng. Hoạt động này không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu của khách tham quan bảo tàng mà còn liên quan đến những nhà tài trợ, những người tặng, cho bảo tàng mượn hiện vật. Thông thường, sau trưng bày, bảo tàng phải báo cáo đến tổ chức, đơn vị, cá nhân tài trợ để họ xem xét mức độ thành công của trưng bày và số tiền tài trợ của họ có ích hay vô ích…

Ngày nay, hầu hết khách tham quan bảo tàng khao khát được xem những  trưng bày sinh động, đa chiều và khách tham quan không chỉ được phép nhìn ngắm mà còn có thể sờ được và đi quanh để xem được. “Cần phải nghĩ cách đem đến cho du khách thứ gì đó mà họ không thể có khi ở nhà, ở trường hoặc ở thư viện, ở cửa hàng; và quyết định điều gì công chúng nên học, nên cảm nhận, thích thú hoặc tin tưởng khi họ rời khỏi trưng bày”[5].

  1. Một số hình thức nghiên cứu khách tham quan:

* Phiếu câu hỏi

Phiếu câu hỏi được cán bộ bảo tàng xây dựng nhằm mục đích lấy ý kiến của khách tham quan sau khi xem trưng bày. Ở Việt Nam, phiếu câu hỏi dành cho khách tham quan khá phổ biến ở nhiều bảo tàng (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học…). Không phải bất kỳ khách tham quan nào cũng điền vào phiếu câu hỏi sau khi tham quan bảo tàng mà phụ thuộc vào từng đối tượng khách. Yêu cầu khi xây dựng các câu hỏi trong phiếu là ngắn, không thể kéo dài đến 3 – 4 trang, vì mục đích của khách tham quan đến bảo tàng không phải để trả lời phiếu. Bảo tàng cũng nên xây dựng nhiều loại phiếu câu hỏi khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng khách tham quan khác nhau (trẻ em, người lớn…), với nhiều ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp…).

* Phỏng vấn

Có hai thể loại phỏng vấn trong nghiên cứu khách tham quan: phỏng vấn được sắp xếp và phỏng vấn mở. Phỏng vấn được sắp xếp là phỏng vấn đã được tổ chức trước, theo những câu hỏi định trước của cán bộ bảo tàng. Ngược lại, phỏng vấn mở mang tính đối thoại, hướng mở cho khách tham quan để họ tự thể hiện bản thân bằng ngôn từ của họ. Cán bộ bảo tàng nên kết hợp hai thể loại phỏng vấn này để kết quả thu được vừa có câu trả lời có/không, vừa có câu trả lời mở. Đặc biệt, với phỏng vấn mở, cán bộ bảo tàng thường mất nhiều thời gian nghe câu trả lời của khách tham quan. Thậm chí, khách tham quan trả lời nhiều vấn đề không phù hợp mà cán bộ phỏng vấn không kiểm soát được.

* Quan sát

Quan sát khách tham quan nhằm mục đích tìm hiểu sở thích của khách tham quan qua việc họ trưng bày bảo tàng,  thời gian họ dành cho bảo tàng và cho mỗi trưng bày, sự phản hồi của khách tham quan đối với trưng bày.

Các dạng nghiên cứu quan sát:

- Thống kê số lượng khách tham quan: Quan sát có bao nhiêu khách tham quan đến thăm bảo tàng. Nhiều bảo tàng không quan tâm đến việc đếm số lượng khách vì họ dựa trên cơ sở số lượng vé tham quan bảo tàng bán ra.

- Quan sát không làm ảnh hưởng đến khách tham quan (quan sát không tham dự): Công việc này đòi hỏi cán bộ bảo tàng ghi chép cẩn thận những gì khách tham quan làm, đi theo họ và quan sát những hành vi của họ. Quan sát họ tham quan bảo tàng như thế nào? Hướng tham quan của họ? Những hoạt động mà họ tham gia? Họ có tham gia cùng những khách tham quan khác không? Quan sát khách tham quan sử dụng không gian như thế nào?

Việc đi theo khách tham quan và quan sát này yêu cầu cán bộ bảo tàng không làm ảnh hưởng hay tác động đến khách tham quan, vì như vậy hành vi của khách tham quan sẽ tự nhiên. Cán bộ bảo tàng không mặc đồng phục của bảo tàng mà ở vị trí như một khách tham quan bình thường. Bên cạnh đó, cán bộ  bảo tàng chuẩn bị sơ đồ mặt bằng trưng bày để vẽ đường đi của khách tham quan. Máy ảnh, máy quay phim là những thiết bị hữu hiệu cho việc nghiên cứu quan sát này.

- Quan sát tham dự: Cán bộ bảo tàng tham gia cùng với khách tham quan: cùng tham quan trưng bày, cùng trò chuyện, cùng thảo luận. Đây là hướng nghiên cứu đầu tiên về khách tham quan theo hướng nghiên cứu dân tộc học. Cán bộ bảo tàng sử dụng máy ghi âm, sổ ghi chép để ghi lại tất cả những gì quan sát được. Cán bộ bảo tàng phải ghi chép những điều đang xảy ra chứ không phải những điều họ nghĩ rằng đang xảy ra. Chẳng hạn khách tham quan đứng gần pano trưng bày, nhưng chưa chắc họ đang đọc nội dung viết trong pano đó. Vì vậy, cán bộ bảo tàng phải đến gần khách tham quan để khẳng định chính xác. Một số dữ liệu thu được từ quan sát tham dự:

          + Miêu tả dữ liệu về trưng bày và khách tham quan

          + Xác định miêu tả về hành động của khách tham quan

          + Sắp xếp các yêu cầu của khách tham quan

Việc quan sát khách tham quan mang lại những hiệu quả cao trong việc đánh giá trưng bày. Chẳng hạn, cán bộ bảo tàng quan sát thấy khách tham quan tỳ tay lên tường, lên tủ kính để nhìn, đọc và để lại nhiều vết tay, phần chú thích, bài viết bị mờ đi, chứng tỏ khách tham quan dừng lại ở phần trưng bày đó khá lâu. Hay việc quan sát tỉ lệ % số lượng khách tham quan đi từ hướng phải sang trái hay ngược lại… là cơ sở số liệu để từ đó kiểm nghiệm, phân tích và đưa ra hướng giải quyết về vị trí đặt các bảng chỉ dẫn hướng tham quan, pano trưng bày…

3. Phương pháp nghiên cứu khách tham quan

Có hai phương pháp nghiên cứu chính được sử dụng với hầu hết các hình thức nghiên cứu khách tham quan nêu trên, đó là phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng.

Nghiên cứu định tính về khách tham quan: Phương pháp này được áp dụng tốt nhất khi tìm hiểu thái độ và hành vi khách tham quan, thể hiện hoặc dưới hình thức nói hay viết. Câu trả lời của khách tham quan mở và không được xác định trước. Các phương pháp tiếp cận định tính thường chỉ tiến hành với một lượng khách tham quan nhỏ và thường được chọn ra từ một nhóm khách tham quan cụ thể hoặc theo tương quan với một vấn đề cụ thể[6].

Nghiên cứu định lượng về khách tham quan: Thu thập các con số và xây dựng thông tin thống kê về khách tham quan. Các phương pháp định lượng thường đưa ra cách tiếp cận chuẩn hoá với thông tin về khách tham quan và được áp dụng tốt nhất để thu thập thông tin từ lượng khách tham quan lớn hơn, và chọn lượng khách này làm mẫu phân tích cho cộng đồng. Câu trả lời có thể giới hạn và được các nghiên cứu viên xác định trước[7].

Sự khác nhau giữa định tính và định lượng trong việc nghiên cứu khách tham quan là cách đặt câu hỏi khác nhau, hỏi như thế nào và khách tham quan trả lời như thế nào. Với một câu hỏi về định lượng đã được sắp xếp, Bảo tàng đưa sẵn cán cân cho các câu trả lời của khách tham quan. Ví dụ: Để cho điểm phần trưng bày, khách tham quan chấm điểm từ chưa hấp dẫn đến hấp dẫn: 0 điểm: chưa đạt yêu cầu; 3 điểm: trung bình; 5 điểm: tốt. Nghiên cứu định tính thường áp dụng cho hình thức phỏng vấn mở. Điểm mạnh của nghiên cứu định lượng là cán bộ bảo tàng có thể tổng kết nhanh và mang tính khoa học hơn phương pháp định tính. Vì phương pháp định lượng có số liệu cụ thể, thông qua quá trình đánh giá, số liệu đó được nghiên cứu lặp đi lặp lại lâu dài (hàng tháng, hàng năm…). Phương pháp nghiên cứu định tính nhấn mạnh vào chiều sâu và chi tiết việc khái quát hoá các dữ liệu. Phương pháp này hữu ích cho việc nghiên cứu ứng xử, thái độ, cảm xúc, giá trị hay những hình tượng mà cán bộ bảo tàng không thể đo đếm được. Hai phương pháp định lượng và định tính đều có những thế mạnh và điểm yếu, phụ thuộc vào mục đích và hình thức nghiên cứu. Tuy nhiên, để đạt kết quả nghiên cứu khách tham quan tốt nhất, cán bộ bảo tàng nên kết hợp hai phương pháp. Ở Việt Nam, những nghiên cứu khách tham quan thường mang tính định lượng. Các bảo tàng Việt Nam cũng nên chú ý đến việc nghiên cứu định tính để tìm hiểu ý nghĩa phía sau những con số thống kê.

4. Một vài nhận xét

- Trong quá trình nghiên cứu khách tham quan, việc kết hợp nhiều phương pháp khác nhau sẽ đưa ra kết quả chính xác.

- Bảng câu hỏi dành cho khách tham quan không thể hiệu quả ngay từ ban đầu nếu như cán bộ bảo tàng không qua tìm hiểu và sửa chữa, bổ sung.

- Phương pháp định tính trong việc nghiên cứu khách tham quan đưa lại cho bảo tàng những thông tin mang tính chất nhất định nhưng không lâu dài. Chính vì vậy, cán bộ bảo tàng không nên đánh giá quá cao phương pháp định tính mà phải phối hợp và quan tâm đến tất cả các phương pháp.

- Số lượng cán bộ của bảo tàng không nhiều và đủ để nghiên cứu nhiều khách tham quan trong một thời điểm nhất định, vì vậy, bảo tàng nên xây dựng mô hình lựa chọn khách tham quan: lựa chọn theo đối tượng (trẻ em, người lớn…); hoặc cứ 10 khách chọn 1; một ngày phỏng vấn 10 người…; xây dựng chiến lược và kế hoạch nghiên cứu khách theo từng giai đoạn…

- Để có kết quả nghiên cứu tốt, cán bộ bảo tàng cần tiến hành nghiên cứu trong khoảng thời gian dài (ví dụ 1 năm) để có thể quan sát những biểu hiện khác nhau của khách tham quan trong nhiều thời điểm khác nhau.

- Trong quá trình nghiên cứu khách tham quan, cán bộ bảo tàng cần nghiên cứu  môi trường, hoàn cảnh của khách tham quan (khí hậu, thời gian, mức độ vắng hay đông khách…), vì những yếu tố này ảnh hưởng đến hành vi của khách tham quan.

 

Đánh giá trưng bày bảo tàng qua việc nghiên cứu khách tham quan là một hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực cho việc phát triển trưng bày cũng như xác định chiến lược hoạt động của bảo tàng. Đối với các bảo tàng ở Việt Nam, công việc này khá mới mẻ và còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, để xây dựng được hướng đi mới, hấp dẫn và thu hút khách tham quan, phù hợp với nhu cầu của công chúng, hữu ích với xã hội, thiết nghĩ các bảo tàng nên tiến hành hoạt động đánh giá trưng bày thông qua khảo sát, nghiên cứu khách tham quan.



[1] Gary Edson – David Dean (2001), Cẩm nang bảo tàng, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam dịch, Hà Nội, tr.295

[2] Christine Mullen Kreamer (1999),  Phương pháp viết chú thích trưng bày,  Tài liệu tập huấn cho cán bộ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội,  tr.39.

[3] Svetlana Alpers (2007), Bảo tàng với tính chất là một lăng kính,  tr.55.

[4] Roger Miles, Clark Giles (1993), Bắt đầu bằng bước đi phù hợp: Đánh giá ban đầu, Trích từ  Môi trường và Cách ứng xử 25 (6), tháng 11/1993, tr. 698 – 709, NXB Sage, Anh, ấn hành năm 1993.

[5] Manual of Curatorship (1992), A guide to Museum practice Museums Association, do John M.A. Thompson biên tập, NXB Butterworth-Heinemann, Oxford, tr.174.

[6] Gail Dexter Lord và Barry Lord, Hướng dẫn trưng bày bảo tàng, NXB Altamira, Anh, năm 2002 (Phần trích trong bài viết này từ bản thảo tài liệu dịch cho Hội thảo Trưng bày bảo tàng do Cục Di sản Văn hoá và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam  tổ chức tại Hà Nội tháng 5/2005, tr. 72.

[7] Gail Dexter Lord và Barry Lord, Hướng dẫn trưng bày bảo tàng, NXB Altamira, Anh, năm 2002 (Phần trích trong bài tham luận này từ bản thảo tài liệu dịch cho Hội thảo Trưng bày bảo tàng do Cục Di sản Văn hoá và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam  tổ chức tại Hà Nội tháng 5/2005, tr. 72.

 

 

Từ khóa:

Sự kiện

Mạng xã hội